các địa phương, thiểu số (Sầm Nghi Đống), quân ô hợp từ các xưởng mỏ
biên giới, nhìn cách thế thu xếp một người phu cho một người lính… thì
thấy ra số lượng không nhỏ trong lúc hiệu quả lại không thể lớn theo số
quân đi. Tôn Sĩ Nghị lo đề phòng hai ưu thế của địch là voi và hoả hổ
nhưng lâm trận rõ ràng các biện pháp ấy không có hiệu quả. Quân tượng
dũng mãnh hơn Nghị tưởng. Người lính Tây Sơn trên tấm hình còn lại đã
mang súng tay, tuy không hẳn như loại ngày nay nhưng không phải chỉ là
“ống phun lửa làm cháy áo quần.”
Về phía Tây Sơn, ta cũng không thể hình dung nổi tính chất chịu
đựng của sức người phải di chuyển trên khoảng đường rất dài trong một
khoảng thời gian ngắn, để theo kịp với chân voi trong tiến triển hành binh.
Những suy đoán về cách di chuyển khéo léo cũng không qua được việc sử
dụng sức người. Chỉ có thể hiểu, là cả một thời gian dài chiến đấu trên
nhiều chiến trường Nam Bắc đã giúp quân lính Tây Sơn có được sức chịu
đựng dẻo dai để dồn lại sử dụng trong trận chiến thắng quân Thanh năm đó.
Không chỉ là người lính vô danh mà tướng lãnh cũng gần như vô danh. Vẫn
như những người của giai đoạn đầu. Những người điều động cả một cánh
quân mà chỉ xuất hiện có một lần như (Đại) Đô đốc Bảo cầm quân thượng
đạo, với một cái tên ghi nhận khác nhau như Đô đốc Long (Ngô gia văn
phái) hay Đô đốc Mưu (sử quan Nguyễn), hay có nhắc đến nhiều lần thì
cũng không hơn là một danh hiệu, như Đô đốc Hô, Hô hổ hầu coi hậu
quân… Một hai người chỉ huy trên các chiến trường lẻ tẻ… được nhớ như
một sự tình cờ. Việc trao trả tù binh với Thanh cũng đưa ra các tên người,
nhờ đó mới còn ghi lại đầy đủ trong một vài tờ lệnh. Tất cả chỉ vì đó là
những tướng lãnh, quân nhân xuất thân từ Đàng Trong, tàn lụi trong chiến
tranh, công thì có mà danh thì không kịp, không có cơ hội được ghi nhận.
Những nhân vật ấy, qua một thời gian dài bớt chịu đựng áp lực của tình thế
thì có xuất hiện lại cũng phải qua một hình ảnh co rút, ít đụng chạm, trình
bày theo lối “diễn nghĩa” hoá, bài chòi hoá trong những ghi chép địa
phương muộn màng, không có mấy giá trị chứng cứ lịch sử. Âu cũng là
chứng cớ bình thường của một sự bất công dành cho đời sống.