sự khó khăn gây nên bởi sự chọn lựa phe phái rành rẽ của ông Giám mục
kia.
Bá Đa Lộc tích cực trong việc giúp Nguyễn Ánh, ngoài tính năng
động cá nhân còn vì là thành phần của Phái đoàn Truyền giáo Paris, một tổ
chức của Pháp muốn giành quyền làm Con cưng của Giáo hội La Mã, lấn át
các tập đoàn Bồ, Tây Ban Nha về trước. “Tháng bảy (1783) nghe tin Bá Đa
Lộc ở Chân Bôn (Chantaboun) vua cho người đến mời…” Nhân vật trung
gian là một giáo sĩ Việt: Hồ Văn Nghị, người từng giúp Ánh chạy trốn, tiếp
tế cơm nước trong những ngày gian nan. Sự thật đã xảy ra sớm hơn lời xác
nhận kia. Khi đó Bá Đa Lộc đã nắm trong tay tờ tuyên bố ủy quyền của
chính quyền Gia Định (18-8-1782) cho phép ông đại diện đi cầu viện nước
Pháp với những điều khoản rành rẽ. Khôn ngoan hơn, ông còn nhận lãnh
cậu Hoàng tử Cảnh mới 2 tuổi 4 tháng làm chứng tích chính thống khiến
cho các lực lượng khác thèm muốn dòm ngó, mong ước trao đổi. Tuy nhiên
đến hai năm rưỡi sau, phái đoàn cầu viện mới xuất phát về phía Ấn Độ
Dương. Có một thoả ước Versailles được kí kết ngày 18-11-1787 nhưng
chính quyền Pháp đang vướng vào giai đoạn cách mạng nên không đủ sức
trợ giúp. Chức quyền thuộc địa Pháp ở Pondichéry (Ấn Độ) thì không có
mấy cảm tình với ông Giám mục nên rốt lại, toán người cầu viện về đến
Vũng Tàu ngày 28-7-1789 chỉ được chào từ giã bằng 15 phát đại bác, và
thuyền trưởng thì tặng 2000 cân thuốc súng làm quà cho cậu bé hoàng tử dễ
thương cùng ông Giám mục tội nghiệp.
Nhưng như đã thấy, Bá Đa Lộc là người có ý chí mạnh mẽ. Không
được chính quyền giúp thì ông lấy tính cách quen thuộc ngoại giao mà mời
người. Sự thể cũng có điều dễ dàng vì tiếng tăm cầu viện của Nguyễn Ánh
đã lan cùng khắp vùng biển phía nam. Từ 1780, Toàn quyền Macao đã bắn
tiếng cung cấp vật dụng cần thiết cho Ánh. Còn trong lúc nằm chờ ở Vọng
Các, Ánh được thuyền trưởng Antonio Vicenti Rossa đến (23-10-1786) báo
đã có 56 (?) “chiến tàu” ở Goa đang chờ sẵn để lấy lại chính quyền cho
Ánh.