Chứng nhân đương thời đã thấy và thán phục khu vực chế tạo súng
đạn của Gia Định. Thuốc đạn châu Âu tinh nhạy hơn các thứ cùng loại sản
xuất bằng diêm tiêu, lưu huỳnh cũ kĩ. Súng lớn được di chuyển bằng sức
người hay bằng xe trâu bò. Thuyền chiến không hẳn là chạy bằng máy
nhưng bọc vỏ đồng, tỏ ra có sức chịu đựng sóng gió trên biển hơn là các
thuyền nan, gỗ. Vì thế Nguyễn Ánh mới tự phụ: “Thuỷ chiến là sở trường
của ta.” Kiến thức khoa học được dịch ra cho Nguyễn Ánh đọc. Không phải
sách vở về thành luỹ kiểu Vauban chỉ được dịch ra để suy ngẫm mà Ánh
còn cho thực hiện một công trình kiểu đó, phối hợp với một số ý niệm
phong thuỷ phương Đông. Trần Văn Học xây các thành cùng loại sau khi
thống nhất hẳn là từ những học hỏi này.
Bá Đa Lộc và nhóm phiêu lưu người Pháp đã giúp Nguyễn Ánh
vượt qua những ám ảnh của những ngày gian nan cũ. Thế là nảy sinh một
chiến lược hành quân mang tính tấn công theo thực tế của khu vực, đồng
thời là huấn luyện quân đội qua thực tập chiến trường. Đó là khởi đầu của
những trận “giặc mùa” đánh ra theo luồng gió nam và rút về khi mùa gió
bấc nổi, nghỉ binh chờ sang năm đánh tiếp. Toán người Âu và sức mạnh kĩ
thuật mới đem lại thành công cho Gia Định, rõ rệt khi Dayot trên chiếc tàu
đồng khai hoả cho trận chiến Thi Nại. Chiến tranh như thế tiếp tục mang lại
kinh nghiệm và tự tín cho quân Nguyễn, dẫn đến thành công cuối cùng.
Trong những ngày quyết liệt về sau, Tây Sơn đã quân sự hoá toàn vùng
thang mộc ấp căn bản của mình, “biến ấp thành đội (quân)” nhưng sức
dũng mãnh của thân xác tướng sĩ họ rõ ràng là không đương cự nổi với
quân Gia Định cứ như một cỗ máy ầm ì lăn tới.
Sự đe doạ của Gia Định đã đánh động đến Phú Xuân làm xảy ra một
toan tính quyết liệt của Nguyễn Huệ. Nguyễn Nhạc hốt hoảng cầu viện Phú
Xuân khiến cho việc ngăn cách hai thế lực mạnh nhất trong vùng có cơ rút
ngắn lại. Thật ra thì đã có những toan tính của hai bên đánh nhau qua các
thế lực trung gian, như lúc Trần Quang Diệu thắng ở Vạn Tượng mà tiếng
đồn là Tây Sơn sẽ nhân dịp đi vòng trên vùng thượng đạo, tấn công Gia
Định từ phía sau, đồng thời với thuỷ binh đánh ập mặt trước biển. Toan tính