đó không thực tế bằng những dự định trong tờ hịch đề niên hiệu Quang
Trung thứ 5 ngày 10 tháng 7 (27-8-1792) theo đó Nguyễn Huệ kêu gọi dân
hai phủ “thang mộc” Quy Nhơn, Quảng Ngãi chuẩn bị đắp đường, sửa cầu
giúp ông kéo quân thẳng vào đập nát họ Nguyễn như đập “gỗ mục,” biến
Gia Định thành “mồ chôn” kẻ địch rồi đánh thẳng lên Cao Miên, không
chừa cho họ một nơi trốn chạy nào nữa. Toan tính không thành vì Nguyễn
Huệ mất (đêm 16-9-1792).
Lịch sử Tây Sơn lúc này vẫn còn đang trên đà của những trận chiến
thì việc mất người cầm đầu, nhất là người cầm đầu xuất sắc, tất là không
tránh khỏi ảnh hưởng nặng nề đến vận mệnh chung. Lời đồn về việc Huệ bị
thần (tiên tổ) họ Nguyễn vật chết chứng tỏ thêm về sự kiện quan trọng này
đã góp phần thúc đẩy cho sự thành công ló dạng của phe Gia Định. Thật ra
cái chết của Huệ cũng là bình thường trong tình thế và xã hội lúc bấy giờ.
Ch. Borri đã chứng kiến ông trấn thủ Quy Nhơn chỉ vì quá ham mê săn bắn,
bị cảm nắng mà chết thật nhanh chóng. Còn Nguyễn Huệ “bốn lần vào Gia
Định đều đi trước,” suy nhược đau yếu vì trận Đống Đa khiến cho việc
nhận phong An Nam Quốc Vương tưởng là phải gặp trở ngại, và trong năm
1792 đang trông coi khoảng 30 000 lính Phú Xuân tập luyện hàng ngày,
cuộc sống căng thẳng như thế thì chết trẻ không phải là điều lạ. Tuy nhiên
Quang Trung đã không chết bất ngờ, ông còn gọi được Trần Quang Diệu từ
Nghệ An về, trăn trối toan tính lo cho cơ nghiệp sau khi mình chết đi. Có
điều sức mạnh ông vun bồi chỉ có thể giúp những người kế nghiệp kéo dài
cuộc sống mà không thể cứu vãn tình hình bởi vì sự suy sụp nằm ngay
trung tâm quyền lực, ở cơ cấu gia đình Nguyễn Tây Sơn.
Tính chông chênh của nhóm Tây Sơn Quang Trung thấy đầu tiên ở
nơi vị trí trú đóng. Nòng cốt của quân lực thì lấy từ đất Quy Nhơn buôn bán
mà lại đứng chân trên kinh đô của họ Nguyễn vừa mới xưng vương. Người
cầm đầu cũng thấy điều ấy nên lăm le trở về Nghệ An, quê của tổ tông theo
gia phả, để tìm sự liên kết cố cựu. Tuy nhiên thực tế đất ấy lại không còn là
của họ nữa vì những người dân đang phải chịu tai ách của chiến tranh hơn
cả lúc trước, như lời Nguyễn Thiếp trình bày, thì không có lòng dạ nào