hưởng Ấn Độ không có dấu vết Trung Hoa trong thời cổ trên đất Việt Nam
mà mối liên hệ đậm nét nhất lại là ở xa hơn về phía nam, nơi được xác nhận
là có một nước, có lúc được coi là một đế quốc: Phù Nam.
Tên nước thì lại cũng từ nguồn tin Trung Hoa. Dấu vết xưa nhất là
bút kí của Khang Thái, Chu Ứng, hai sứ giả của Ngô Tôn Quyền trong
chuyến đi xuống phía nam (245-250) tìm đường thông thương mua vật
dụng quý vì đường bộ đã bị nhà Nguỵ chận tắc. Tài liệu gốc: Phù Nam kí
của Chu Ứng không còn nhưng thấy rải ra trong thư sử Trung Hoa, xưa
nhất là ở Tam Quốc chí
(giữa thế kỉ III), với chi tiết thành lập nước ở Tấn
thư
(thế kỉ VII). Đó là chuyện về một nước tên là Phù Nam có quân trưởng
là một người con gái bị một “người nước ngoài là Hỗn Hội” / Hỗn Điền
vượt biển đến bắt làm vợ và chiếm giữ lãnh thổ. Tổ chức “nước” được kể là
từ cuộc phối hợp đó nhưng chắc cũng còn lưu giữ sinh hoạt đã có từ trước.
Đó là nước phía tây Lâm Ấp hơn ba ngàn lí, trong vùng vịnh biển lớn. Đất
rộng 3000 lí, có thành trì cung điện nhà ở. Người đen điu xấu xí, búi tóc
thân trần, đi chân đất, phụ nữ mặc áo chui đầu, người chất phác, thẳng thắn,
không trộm cướp, theo nghề cày cấy, trồng trọt. Ham thích điêu khắc, chạm
trổ. Bát đĩa phần nhiều bằng bạc. Dùng vàng bạc, châu ngọc, hương liệu
làm đồ cống và nạp thuế. Họ cũng có sách vở, có nhà lưu giữ. Văn tự giống
chữ người Hồ. Ma chay hôn nhân đại khái cũng giống như Lâm Ấp…
Nguồn tin đó vốn từ người Trung Hoa nên các vua Phù Nam, lại cũng
giống như trường hợp Lâm Ấp, phải mang âm giọng Hán, trong đó lẫn lộn
vài ông họ Phạm.
Đất nước Phù Nam được xác định rõ hơn nhờ công trình khảo cứu
của học giả phương Tây, nhất là Pháp, trong đó nghiên cứu của P. Pelliot
(1903) chiếm phần mở đầu quan trọng. Tài liệu thư tịch lại cũng được sự
phối hợp của các công trình khảo cổ mà khởi đầu trên diện rộng là của L.
Malleret từ tháng 2 đến tháng 4-1944. Tổng hợp lại thì trung tâm Phù Nam
là phần phía tây sông Hậu có cảng vùng Óc Eo (phát hiện năm 1942), có
kinh đô trên vùng núi tây nam Campuchia ngày nay, nghĩa là trên “vịnh
biển lớn” (Thái Lan) như Tấn thư
đã tả. Tên nước là từ một tiếng cổ mà có