dáng của chị Duyên, của anh Giang tài xế. bà Cầm đã được coi như người
nhà.
Nhưng hôm nay, vẻ mặt bà có nhiều nét lạ khiến chị bếp hoảng hốt níu lại
hỏi han. Đứng bên ô cửa sổ trên lầu, bà Án Bùi bắt gặp, nghe “chị” Cầm
nhắc đến tên Sinh, liền vội vàng chạy xuống.
_ Sao? Cái gì thế, chị Cầm?
_ Dạ! Thưa bà Án! Tôi lên xem cậu Sinh có đưa thằng cháu Ngây đi đâu
không. Suốt từ sáng sớm không thấy cháu đâu, mà cho tới giờ này cũng vẫn
chưa về. Thường đêm nào nó cũng ngủ trong nhà kho, nên tối qua tôi đâu
có đợi chờ, cứ yên trí vào giường đi ngủ. Sáng nay không thấy cháu đâu,
tôi ngỡ cháu lên ngủ trên này.
Bà Án Bùi giật mình:
_ Sao? Chị Cầm nói sao?
Không kịp đợi trả lời, người mẹ đã bị sự xúc động khiến cho ngây người
đứng lặng.
Thằng Ngây, cháu ruột của bà Cầm, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mười bốn tuổi
nhưng nó cọc người, trông chỉ bằng thằng bé lên mười. Trí thông minh
không phát triển được cho nên nó chỉ hành động theo bản năng. Tên thật
của nó chính là Đông, Lê Văn Đông. Nhưng vì cứ ngây ngây ngốc ngốc
nên ai cũng đùa giỡn gọi nó là thằng Ngây, lâu ngày quen miệng thành
danh, một biệt danh khá ngộ nghĩnh. Nó sống với bà nội, được bà nội cưng
yêu lắm. Đối lại, nó cũng kính yêu bà vô cùng, quấn quít bên bà như một
con chó con. Thằng Ngây cũng yêu quý cả cậu Sinh con trai cụ Án nữa.
Cậu Sinh đối với nó bao giờ cũng tử tế, kiên nhẫn dạy bảo nó đủ thứ, từng
li từng tí. Không như bao nhiêu người khác thấy mặt nó là trêu chọc hoặc
trẻ con thì đấm đá làm khổ nó, cậu Sinh thường dắt nó vào rừng chơi, đến
nhà các bạn điền thăm viếng. Lần nào đi săn hoặc đi câu, cậu cũng cho
thằng Ngây đi theo. Anh em tá điền cấy ruộng, làm trà cho cụ Án, ai ai
cũng đều vui vẻ yêu quí cậu Sinh. Lý do: con quan mà không làm bộ làm
tịch, biết thương yêu thằng bé mồ côi khờ dại. Như thế theo trí óc chất phác
của đồng bào xã Phú Hộ, là những điềm tốt lành, đem lợi ích chung cho
toàn xã.