trắng nhưng đã xám ngoét, chẳng bao giờ gỡ chải, cứ xù lên như tổ quạ.
Mụ không vấn khăn mà chỉ quấn quanh đầu một mảnh vải dài, có lẽ trước
kia là màu đỏ. Tới nay, lâu ngày dầy tháng, mảnh khăn quý, ý chừng chẳng
được biết mùi xà phòng một lần nào, cáu đầy ghét bẩn nên ngả thành một
màu sắc không tên. Đôi chân mày mụ Phé mới thật là kỳ quái. Không đồng
màu với mớ tóc bù xù mà lại đen kịt, rậm rì, có những sợi dài buông che
kín mắt. Bởi thế, mỗi khi muốn nhìn cho rõ vật gì, mụ cứ đưa tay lên vén
vén đôi chân mày chổi xể cho khỏi che kín hai con mắt, một to một bé,
tròng mắt sáng long lanh. Gò mũi mụ Phé lúc thường thì nhỏ, đầu mũi nhọn
hoắt như mỏ chim. Nhưng khi mụ cần ngửi một cái gì đó thật kỹ càng, lập
tức hai cánh mũi nở lớn, bè ra như mũi…sư tử. Không lạ gì khi nghe các
trẻ em tinh nghịch trong vùng, hễ gặp mụ là y như thế nào cũng gào to lên
trêu chọc:
“ Ê hê! Mụ Phé!
Mắt bé mắt to!
Mũi có lò xo!
Mắt to mắt bé!
Ê hê! Mụ Phé!
Ê hê! Mụ Phé! Mắt bé…”
Đại khái, hình dung ghê rợn của mụ Phé là thế đó. Ấy là chưa kể cái miệng
không răng hiếm khi không nhai trầu phóm phém, nước cốt trầu nhểu dài
hai bên mép đỏ bẻm. Quần áo và trăm mảnh đủ màu sắc xanh, đỏ, tím,
vàng. Đôi chân cáu bẩn của mụ không mấy khi rời khỏi đôi guốc tự tay mụ
đẽo lấy, mũi guốc cong lớn như mui thuyền.
Nguồn sống hằng ngày của mụ Phé là sữa dê. Mụ nuôi con dê mập lắm,
mầm sữa rất căng. Nhưng thật ra, thức ăn chính cốt của mụ vẫn là cơm gạo.
Canh dư cơm thừa mụ vẫn trông nhờ vào đồng bào trong vùng, một phần
lớn từ “ trên dinh cụ Án ”. Và đáng kể hơn nữa là gia đình thầy đội kiểm
lâm tên Phạm văn Danh, vợ tên tục vẫn gọi là cô Gấm. Dân trong xã Phú
Hộ đối với mụ Phé, đều tỏ vẻ thương hại, sẵn sàng cưu mang, vì lẻ mụ chỉ
có một thân trơ trọi, không bà con thân thích họ hàng. Mặc dầu mụ bẩn
thỉu, mặc cho mụ đôi khi đánh mắng những đứa trẻ nghịch ngợm gọi trêu