dọc. Những chiếc bốt... Cái tiếng bốt ấy. Rồi sẽ qua thôi. Cuộc chiếm đóng
sẽ chấm dứt. Sẽ có hòa bình, hòa bình đầy ân phước. Cuộc chiến tranh và
thảm họa năm 1940 sẽ chỉ còn là một hồi ức, một trang lịch sử, những cái
tên của các trận chiến và các hiệp ước mà học trò sẽ ấp úng đọc ở trường,
nhưng mình thì mình sẽ nhớ cái tiếng bốt nện khô khôc và đều đặn trên sàn
nhà này, chừng nào mình còn sống. Tại sao hắn ta không đi ngủ? Tại sao
hắn ta không đi giày păng-tuýp ở nhà, vào buổi tối, như một thường dần,
như một người Pháp? Hắn uống. (Cô nghe thấy tiếng nước đổ ra từ bình
chứa nước ga và âm thanh yếu ớt “jzz, jzz” của một quả chanh bị vắt. Mẹ
chồng cô chắc sẽ nói: “Thảo nào mà chúng ta thiếu chanh. Bọn chúng lấy
hết của chúng ta!”) Giờ đây, hắn đang lật giở một cuốn sách. Ôi, suy nghĩ
thế này thật là tệ hại... Cô rùng mình. Hắn đã mở đàn dương cầm; cô nhận
ra tiếng va chạm của nắp đàn khi bị đẩy về phía sau và tiếng kêu ken két
của chiếc ghế xoay. Không! Lẽ nào hắn lại đi chơi đàn vào giữa đêm! Thực
tình thì mới chín giờ. Có lẽ ở phần còn lại của thế giới người ta không đi
ngủ sớm như vậy?... Phải, hắn chơi đàn. Cô nghe, cúi đầu, bồn chồn cắn
môi. Tiếng nhạc nghe giống một tiếng thở dài hơn là một hợp âm rải vang
lên từ những phím đàn, những nốt nhạc đang run rẩy; hắn lướt qua các nốt
nhạc, vuốt ve chúng, và rồi kết thúc bằng một tiếng láy rền nhẹ và nhanh
như chim hót. Tất cả im bặt.
Lucile bất động hồi lâu, chiếc lược cầm tay, mái tóc xõa ra trên vai. Rồi
cô thở dài, thoáng nghĩ: “Tiếc thật!” (Tiếc vì không khí tĩnh lặng đến thế?
Tiếc vì gã trai này đã ngừng chơi đàn? Tiếc vì ở đó là hắn, kẻ xâm lược, kẻ
thù, hắn, chứ không phải là một người khác?) Bàn tay cô khẽ bối rối ngọ
nguậy, như thể cô đang đẩy ra những lớp không khí quá nặng nề, không thở
được. Tiếc thật... Cô nằm vào chiếc giường rộng trống trải.