loáng như một chiếc mũ sất, tất cả làm cho gã trai trẻ này có một ngoại
hình gây ấn tượng mạnh trong mắt Madeleine; trong dáng vẻ của hắn có
một cái gì đó hoàn hảo, chính xác, rực rỡ khiến người ta nghĩ đến một cỗ
máy hơn là một con người, cô tự nhủ. Dù không muốn, cô vẫn bị mê hoặc
bởi đôi bót và cái khóa đai lưng quân dụng của hắn: da và thép hắt lên
những ánh lấp loáng.
- Tôi hy vọng, - cô nói, - là ông có tùy tùng. Ở đây không ai có thể đánh
bốt của ông bóng lên như thế này được đâu.
Hắn cười và nhắc lại:
- Bà đừng lo cho tôi.
Madeleine đặt con trai ngủ. Trong chiếc gương nghiêng xuống phía trên
giường lướt qua bóng tên Đức. Cô nhìn thấy ánh mắt và nụ cười của hắn.
Cô lo sợ nghĩ: “Nếu hắn tán tỉnh mình, Benoît sẽ nói gì nhỉ?” Cô không
thích gã trai trẻ này và hắn làm cô hơi sợ, nhưng, dù không muốn, cô vẫn bị
cuốn hút bởi vẻ gì đó giống với Jean-Marie, không phải là giống Jean-
Marie với tư cách đàn ông, mà với tư cách một người thuộc giới tư sản, với
tư cách ông lớn. Cả hai đều cạo râu cẩn thận, được giáo dục tốt, đôi tay
trắng trẻo, nước da mịn màng. Cô hiểu là sự hiện diện của tên Đức này sẽ
khó chịu gấp đôi đối với Benoît: Vì đó là một kẻ thù và vì đó không phải là
một nông dân như anh, nhất là vì anh ghét những cái làm lộ ra, trong
Madeleine, mối quan tâm, sự tò mò mà tầng lớp trên khơi gợi; đến mức là,
từ ít lâu nay, anh thường giật khỏi tay cô những tờ báo thời trang hoặc nói,
khi cô bảo anh cạo râu, thay áo: ‘Em phải chấp nhận đi. Em đã lấy một
người đàn ông nông thôn, một gã nhà quê, anh là anh không có những kiểu
cách thượng lưu đâu...”, với biết bao oán giận, với một sự ghen tuông sâu
sắc đến nỗi cô đoán chắc được từ đâu mà sinh chuyện, hẳn là Cécile đã đưa
chuyện rồi. Cécile cũng không còn đối với cô như trước nữa. Cô thở dài.
Biết bao điều đã thay đổi kể từ khi xảy ra cuộc chiến tranh đáng nguyền rủa
này...
- Tôi sẽ chỉ cho ông phòng của ông, - cuối cùng cô nói.
Nhưng hắn từ chối; hắn lấy một chiếc ghế: và ngồi xuống cạnh lò sưởi.