Ông nhìn cô chòng chọc và mắt ông ánh lên một vẻ khắc nghiệt, lạnh
lùng và khó chịu. Những khi tâm trạng ông thoải mái, Florence thường nói:
“Ánh mắt anh vẫn còn nọc rắn”, và ông cười, hãnh diện, nhưng trong cơn
sốt sáng tạo thì ông ghét đùa cợt.
Cô không hề nhớ gì về nhân vật Lucienne.
Cô bèn nói dối.
- À phải rồi, ơ kìa! Em không biết em đã để đầu óc ở đâu cơ chứ!
- Anh cũng tự hỏi như vậy đấy, - ông nói bằng một giọng chua chát và bị
tổn thương.
Nhưng cô có vẻ buồn rầu và khúm núm đến nỗi ông đâm ra thương hại
cô. Ông dịu lại.
- Anh vẫn nói với em rồi, em không chú trọng đúng mức đến các nhân
vật phụ. Một cuốn tiểu thuyết cần phải giống như một đường phố đầy
những người xa lạ, ở đó có hai hoặc ba người mà ta biết rõ thôi, không hơn,
đi ngang qua. Hãy xem các nhà văn khác như Proust chẳng hạn, họ biết sử
dụng các nhân vật phụ. Họ sử dụng những nhân vật này để làm nhục, để hạ
thấp các nhân vật chính của họ. Trong một cuốn tiểu thuyết không có gì bổ
ích hơn bài học về sự thấp kém dành cho các nhân vật chính ấy. Em có nhớ
không, trong Chiến tranh và hòa bình, những cô nông dân bé nhỏ vừa cười
đùa vừa vượt qua đường trước cỗ xe của công tước André thoạt đầu sẽ thấy
anh ta nói với họ, với riêng họ thôi, và rồi cái nhìn của độc giả đột nhiên
được nâng lên, không phải chỉ có một gương mặt, một tâm hồn nữa. Độc
giả khám phá ra vô số khuôn hình. Đợi đấy, anh sẽ đọc cho em đoạn này,
rất đáng chú ý đấy. Bật đèn lên đi, - Ông bảo cô, - trời tối rồi.
- Máy bay đấy, - Florence vừa trả lời vừa chỉ tay lên trời.
Ông làu nhàu:
- Vậy là chúng sẽ không để cho ta yên sao?
Ông thù ghét chiến tranh, nó đe dọa đến những điều lớn hơn cả cuộc
sống của ông hay tiện nghi của ông; nó hủy diệt trong từng khoảnh khắc thế
giới tưởng tượng, nơi duy nhất mà ông cảm thấy hạnh phúc, giống như âm
thanh của một chiếc kèn trompette lạc điệu và ghê rợn làm sụp đổ những