10
Gã người Đức gặp Lucile một hoặc hai lần trong tiền sảnh tranh tối tranh
sáng; khi lấy chiếc mũ làm vườn mắc ở một chiếc sừng hươu, cô làm phát
ra tiếng kêu leng keng từ chiếc đĩa đồng trang trí tường, ngay phía dưới chỗ
mắc quần áo. Gã người Đức dường như đang rình đợi tiếng động nhẹ này
trong cảnh tĩnh mịch của ngôi nhà; hắn mở cửa và đi ra giúp Lucile; hắn
mang giỏ của cô, chiếc kéo xén cây của cô, cuốn sách của cô, đồ khâu của
cô, chiếc ghế dài của cô ra đến tận vườn, nhưng cô không nói chuyện với
hắn nữa; cô chỉ cám ơn hắn bằng một cái gật đầu ra hiệu và với một nụ
cười gò bó; cô tưởng như cảm thấy trên người mình ánh mắt của bà
Angellier đang rình sau một cánh cửa chớp. Gã người Đức đã hiểu; hắn
thôi không xuất hiện nữa; hầu như đêm nào hắn cũng đi tập trận với trung
đoàn của hắn; hắn chỉ trở về vào lúc bốn giờ chiều và giam mình trong
phòng hắn cùng với con chó. Buổi tối, khi đi trong làng, thỉnh thoảng
Lucile nhìn thấy hắn trong một quán cà phê, một mình, một cuốn sách
trong tay, một cốc bia đặt trước mặt, trên bàn. Hắn tránh chào cô và nhíu
mày quay đi. Cô đếm từng ngày: “Thứ Hai hắn sẽ đi,” cô tự nhủ. “Khi hắn
quay lại, có thể trung đoàn ấy rời thị trấn. Dù sao đi nữa, hắn đã hiểu là
mình sẽ không nói chuyện với hắn nữa.”
Sáng nào, cô cũng hỏi bà đầu bếp:
- Gã người Đức vẫn ở đây à, bà Marthe?
- Đúng vậy, vâng, hắn không có vẻ độc ác đâu - bà đầu bếp nói, - hắn đã
hỏi là bà chủ có thích trái cây không. Hắn sẵn lòng biếu. Tất nhiên, bọn
chúng thì chẳng thiếu thứ gì! Bọn chúng có những thùng cam. Ăn mát lắm
- bà ta nói thêm, bị mâu thuẫn giữa một thứ tình cảm khoan dung đối với
viên sĩ quan đã biếu bà ta cam và luôn luôn tỏ ra “rất dễ thương, rất nhã
nhặn; gã này thì người ta không sợ”, như bà ta nói, và một cơn tức giận khi
hình dung ra những trái cây mà dân Pháp bị tước đoạt ấy.
Ý nghĩ sau hẳn là mạnh nhất, bởi bà ta kết luận với vẻ ghê tởm: