15
Khi bà già Angellier và gã người Đức đối mặt nhau, theo bản năng cả hai
người đều lui lại, một hành động mà về phía viên sĩ quan có thể coi như
một cách tỏ vẻ lịch sự, một mong muốn không quấy rầy bà chủ nhà bằng sự
có mặt của mình, và có phần giống như bước né của một con ngựa thuần
chủng khi nó nhìn thấy một con rắn viper dưới chân mình, trong khi bà
Angellier thậm chí chẳng buồn kiềm chế cơn run rẩy đang rung lắc người
mình và bà đứng đờ ra trong cái tư thế khiếp hãi mà việc tiếp xúc với một
con thú nguy hiểm và nhơ nhớp có thể gây ra. Nhưng điều đó chỉ diễn ra
trong khoảnh khắc: một sự giáo dục tốt được thực thi chính là để sửa chữa
những phản xạ bản năng của con người. Viên sĩ quan ưỡn thẳng người hơn,
khiến mọi đường nét của hắn đều lộ vẻ cứng rắn, vẻ nghiêm nghị máy móc,
hắn nghiêng đầu và dập gót giày (Ồ! Cái lối chào theo kiểu Phổ này - bà
Angellier lầm bầm, không nghĩ rằng đối với một người đàn ông sinh ra ở
Đông Đức, lối chào này, nói tóm lại, là điều còn thường gặp hơn cả cái hôn
tay của một người Ả-rập hay shake-hand của một người Anh). Bà Angellier
thì bắt tréo hai bàn tay trước bụng với một cử chỉ giống như một bà xơ khi
trông coi một người chết và đứng dậy để chào một thành viên trong gia
đình bị nghi ngờ theo thuyết chống giáo quyền, điều đó làm lướt qua trên
gương mặt bà những biểu hiện khác nhau: sự kính trọng bề ngoài (“Ông là
ông chủ”), sự chê trách (“Nhưng còn ai lạ gì ông, kẻ ngoại đạo là ông!”), sự
cam chịu (“Hãy dâng tặng Chúa những nỗi ghê sợ mà chúng ta phải chịu”),
và cuối cùng là một sự lóe sáng của niềm vui tàn bạo (“Hãy đợi đấy, anh
bạn, mi sẽ bị thiêu đốt dưới địa ngục trong khi ta yên nghỉ trong tim
Chúa”), thêm nữa, cái ý nghĩ cuối cùng này lại được thay thế trong đầu óc
bà Angellier bằng niềm mong muốn mà bà thầm nhủ trong lòng mỗi lần bà
nhìn thấy một thành viên của quân đội chiếm đóng: “Ta hy vọng là chẳng
bao lâu nữa hắn sẽ nằm dưới đáy biển Manche”, bởi vào thời kỳ ấy người
ta ngờ rằng bọn chúng sẽ thử đánh chiếm nước Anh, lúc nào cũng như sắp