âm nhạc được nhỉ? Mỗi một nốt nhạc dường như đập vào những sợi dây
thần kinh bị phơi trần ra của bà và giật ra từ bà một tiếng rên rỉ. Bà thà
nghe những cuộc trò chuyện kéo dài của họ còn hơn, những cuộc trò
chuyện mà bà thu nhận được từ nó một tiếng vọng yếu ớt khi nghiêng
người qua cửa sổ, ngay phía trên cái cửa sổ của phòng làm việc mà họ để
mở trong những đêm mùa hè đẹp trời ấy. Bà thà chịu đựng sự yên lặng ập
đến giữa họ hay tiếng cười của Lucile còn hơn (cười! khi chồng bị cầm
tù!... đồ phóng đãng, một con mái, một tâm hồn hèn hạ!) Tất cả còn hơn là
âm nhạc, vì âm nhạc là thứ duy nhất xóa bỏ được giữa hai con người sự
khác biệt về ngôn ngữ hay phong tục và chạm tới một điều gì đó bất diệt
trong họ. Một đôi lần, bà Angellier đến gần phòng tên Đức. Bà đã nghe
thấy nhịp thở của hắn, tiếng hắn ho khẽ vì hút thuốc. Bà đi qua gian tiền
sảnh nơi có chiếc áo choàng rộng của sĩ quan treo trên cái đầu hươu nhồi
rơm và bà đã lén bỏ vào trong túi áo một vài cọng thạch thảo, mọi người
bảo điều đó mang lại tai họa. Bà thì bà không tin điều đó... nhưng vẫn có
thể thử xem...
Từ vài ngày nay, chính xác là từ hôm kia, bầu không khí trong nhà
dường như còn đáng ngại hơn. Chiếc dương cầm bặt tiếng. Bà Angellier đã
nghe thấy Lucile và bà đầu bếp nói chuyện lâu với nhau bằng một giọng
khẽ khàng. (Mụ này chắc cũng phản bội ta chăng?) Tiếng chuông bắt đầu
vang lên. (A! Đó là lễ tang tên sĩ quan bị giết...) Kìa là những tên lính cầm
súng, kìa là quan tài, kìa là những vòng hoa đỏ... Nhà thờ đã bị trưng dụng.
Dân Pháp không được phép vào trong đó. Người ta nghe thấy một dàn hợp
xướng với những giọng hát tuyệt vời ngâm nga một bài thánh ca; dàn hợp
xướng này từ nhà thờ Đức Mẹ Đồng trinh tới. Lũ trẻ ở lớp học giáo lý hồi
mùa đông đã làm vỡ một ô kính mà chưa được thay. Tiếng hát bay lên từ
cái cửa sổ nhỏ kiểu cổ mở ra phía sau bàn thờ Đức Mẹ Đồng trinh và tối đi
vì bị cây đoạn to ở quảng trường che bóng. Lũ chim hót mới vui vẻ làm
sao! Giọng hót vút cao của chúng thỉnh thoảng gần như át đi bài thánh ca
của bọn Đức. Bà Angellier không biết tên, tuổi của người chết. Bộ Chỉ huy
chỉ nói: “Một sĩ quan của Wehrmatch.” Thế là đủ. Chắc là hắn còn trẻ. Tất
cả bọn chúng đều trẻ. “Vậy đấy, thế là hết đối với mi. Mi muốn gi nào? Đó