Lucile thở lấy hơi.
- Tôi phải xuống đây, - cô nói. - Chắc anh ta tìm tôi để từ biệt tôi.
- Hãy lợi dụng điều đó, - đột nhiên bà Angellier nói, - để xin hắn một
phiếu xăng và một giấy phép đi lại. Cô sẽ dùng chiếc ôtô cũ: cái xe không
bị trưng dụng ấy. Cô sẽ nói với tên Đức là cô phải chở một tá điền bị ốm
của cô lên thành phố. Với một giấy phép của Bộ Chỉ huy, hai người sẽ
không bị bắt ở giữa đường đâu và có thể đến được tận Paris mà không nguy
hiểm.
- Ô! - Lucile nói với vẻ ghê sợ, - nói dối như thế...
- Cô có làm việc gì khác từ mười hôm nay đâu?
- Thế khi đã đến Paris rồi, trước lúc anh ấy tìm được bạn bè của anh ấy,
thì giấu anh ấy ở đâu? Tìm đâu ra những người đủ dũng cảm, đủ tận tâm,
trừ khi là...
Một kỷ niệm lướt qua trong óc cô.
- Phải rồi, - đột nhiên cô nói. - Có thể được đấy... Dù sao đó cũng là một
cơ hội nên nắm bắt. Mẹ có nhớ những người Paris di tản dừng lại ở nhà
mình hồi tháng Sáu năm 1940 không? Một cặp vợ chồng nhân viên nhà
băng, đã có tuổi, nhưng rất dai sức và can đảm. Mới đây họ có viết thư cho
con: con có địa chỉ của họ. Họ tên là Michaud. Phải, đúng thế, Jeanne và
Maurice Michaud. Có thể họ sẽ chấp nhận... Chắc là họ sẽ chấp nhận...
nhưng phải viết thư và đợi trả lời... hoặc trái lại cứ liều được ăn cả ngã về
không... Con không biết...
- Cứ xin giấy phép đi, - bà Angellier khuyên. Với một nụ cười nhợt nhạt
và sắc sảo, bà nói thêm, - đó là việc dễ nhất.
- Con sẽ thử xem, - Lucile nổi khẽ.
Cô sợ khoảnh khắc còn lại một mình với Bruno. Thế nhưng cô lại vội vã
đi xuống. Tốt nhất là kết thúc cho xong đi. Nếu anh ta nghi ngờ điều gì thì
sao? Ôi! Mặc kệ! Chiến tranh mà. Cô sẽ phải chịu luật của chiến tranh. Cô
chẳng sợ gì hết. Tâm hồn trống rỗng và mệt mổi của cô mơ hồ mong muốn
một hiểm họa lớn nào đó.
Cô gõ cửa phòng gã người Đức. Khi bước vào cô bất ngờ vì thấy hắn
không chỉ có một mình. Gã phiên dịch mới của Bộ Chỉ huy, một gã trai gầy