Ông ta kể tiếp cái gì đó mà tôi không nghe được. Đằng sau tôi còn có
các hành khách khác đi qua, người soát vé đi qua, lại một anh nhân viên đi
vào, thành ra khá ồn ào, chẳng thể nghe mọi người nói gì. Khi tất cả lắng
xuống, tôi lại thấy tiếng của ông luật sư, câu chuyện hẳn là đã chuyển từ
những chuyện riêng tư sang những ý kiến khái quát.
Ông luật sư nói về việc vấn đề ly hôn đang gây chú ý trong công luận
châu Âu, và rằng ở nước Nga thì những chuyện như vậy ngày càng xảy ra
nhiều hơn. Nhận thấy chỉ có mỗi một mình mình nói, ông luật sư bèn ngừng
bài diễn thuyết của mình, quay sang ông già thương gia.
- Ngày xưa chắc là không có những chuyện đó phải không ạ? - Ông nói
và nhoẻn cười một cách rất khoái chí.
Ông già định đáp lại, song đúng lúc đó tàu chuyển bánh, nên ông ta
liền bỏ mũ, bắt đầu làm dấu và lâm râm cầu nguyện. Ông luật sư quay đi
chỗ khác, lịch sự chờ đợi. Kết thúc bài cầu nguyện của mình và làm dấu
thêm ba lần, ông già chụp sâu cái mũ lên đầu, ngồi lại ngay ngắn và lên
tiếng.
- Hồi xưa cũng có đấy, thưa ngài, nhưng ít hơn. - Ông ta nói. - Ngày
nay thì không thiếu những chuyện đó. Người ta bây giờ có học thức hơn
mà.
Con tàu chạy càng lúc càng nhanh thêm, kêu rầm rầm và tôi rất khó
nghe được câu chuyện,i nó lại rất thú vị, nên tôi chuyển sang ngồi gần hơn.
Người hành khách cạnh tôi, người đàn ông bẳn gắt có đôi mắt sáng, cũng có
vẻ quan tâm, tuy vẫn yên vị trên chỗ của mình nhưng anh ta rất chăm chú
lắng nghe.
- Nhưng mà học thức có gì là sai trái nào? - Quý bà hơi mỉm cười nói. -
Chả lẽ kết hôn như thời xưa, khi mà chú rể và cô dâu thậm chí còn chả biết
mặt nhau, lại tốt hơn à? - Cũng giống như nhiều phụ nữ khác, bà ta có thói
quen trả lời những câu hỏi không phải của người đối thoại nói với mình, mà
những câu do chính mình nghĩ là người đó sẽ nói. - Họ chẳng biết là có yêu
hay không, hoặc có thể yêu được hay không, chỉ nhắm mắt lấy bất cứ người
nào rơi vào họ, rồi cả đời chịu đau khổ; thế cái đó, theo các ngài, là tốt hơn