khoang hàng hóa. Tôi chui vào những bao trà để nấp. Sau hai ngày, tôi
đã suy nhược đến mức không thể nấp được nữa, vì thế tôi ra khỏi
khoang. Thuyền trưởng nhốt tôi trong một căn phòng. Ông ấy nói sẽ
không an toàn nếu để tôi ở cùng thủy thủ đoàn. Thế là trong ba tuần và
qua tám nghìn cây số, tôi nhìn đại dương qua một ô cửa sổ nhỏ bằng
kính hình tròn và đọc một quyển sách do thuyền trưởng đưa. Quyển
sách có nhan đề Những kì vọng lớn lao, kể về một cậu bé tên là Pip,
nhưng tôi không biết nó kết thúc ra sao, vì chiếc tàu đến Anh và thuyền
trưởng bàn giao tôi cho các nhà chức trách nhập cư.
Ba tuần và tám nghìn cây số trên một chiếc tàu chở trà – có lẽ nếu
bạn cào vào da tôi, bạn sẽ vẫn thấy da tôi có mùi trà. Khi đưa tôi vào
trại giam nhập cư, họ đưa tôi một chiếc chăn nâu và một tách trà bằng
nhựa màu trắng. Và khi nếm thử, tôi chỉ muốn quay trở lại chiếc tàu để
về nhà, về lại quê hương đất nước tôi. Trà là mùi vị của xứ sở tôi: đắng
cay và ấm áp, mạnh mẽ và sắc nét từng ký ức. Nó có vị khao khát. Nó
có vị của khoảng cách giữa nơi bạn đang ở và nơi bạn ra đi. Đồng thời,
nó cũng biến mất – dư vị của nó tan biến trên lưỡi bạn trong khi môi
bạn vẫn còn nóng rẫy sau khi chạm vào cốc. Nó tan biến, như những
đồn điền kéo dài đến tận sương mù. Tôi nghe nói đất nước bạn uống
nhiều trà hơn bất kì nơi nào khác. Điều đó hẳn phải khiến bạn buồn ghê
lắm – như những đứa trẻ khao khát người mẹ đi vắng. Tôi rất lấy làm
tiếc.
Và thế là, chúng tôi uống trà trong nhà bếp của Sarah. Charlie vẫn
còn ngủ trong phòng trên lầu. Sarah đặt tay lên tay tôi.
“Chúng ta cần nói về chuyện đã xảy ra,” cô nói. “Cháu có sẵn sàng
nói về chuyện ấy không? Về điều đã xảy ra sau khi bọn người ấy đưa
cháu đi dọc bãi biển?”
Tôi không trả lời ngay. Tôi ngồi tại bàn, đưa mắt nhìn khắp nhà bếp
một lượt, thu nhận tất cả những cảnh tượng mới mẻ và tuyệt diệu. Ví dụ
như, có một chiếc tủ lạnh trong nhà bếp của Sarah, một chiếc hộp