cảnh sát, với một giọng trong như kim cương Cullinan, Chúa ơi, sao
ngươi dám?
Tôi sống sót được là nhờ học tiếng Anh của Nữ hoàng. Có thể bạn
đang nghĩ, thế thì có gì khó. Nói gì đi nữa, tiếng Anh cũng là ngôn ngữ
chính thức ở Nigeria, quê hương tôi cơ mà. Đúng, nhưng vấn đề là ở
quê nhà, chúng tôi nói hay hơn các bạn nhiều. Để nói chuyện bằng
tiếng Anh của Nữ hoàng, tôi phải quên hết những mánh khóe hay nhất
trong tiếng mẹ đẻ của mình. Chẳng hạn, Nữ hoàng không thể nào nói,
Rõ phiền phức, con ả đó chỉ giỏi õng ẹo mới dụ được đứa con trai
“đỉnh” nhất của bà đính hôn với nó, mà ai nhìn cũng thấy nó sớm
muộn gì cũng làm tan nhà nát cửa cái gia đình này thôi. Thay vào đó,
Nữ hoàng phải nói, Cô công nương mới của ta đã dùng sự duyên dáng
nữ tính của mình để được đính hôn với hoàng tử con trai ta, và người
nào cũng có thể nhận ra rằng chuyện sẽ không kết thúc có hậu. Thật là
đáng buồn, phải không? Học tiếng Anh của Nữ hoàng cũng giống như
tẩy lớp sơn đỏ tươi trên móng chân bạn vào buổi sáng sau đêm khiêu
vũ. Mất rất lâu và lúc nào cũng còn sót lại tí chút, một vết màu đỏ cạnh
khóe móng để nhắc bạn nhớ về khoảng thời gian vui vẻ mình đã có. Vì
thế, bạn có thể thấy rằng tôi học hành rất chậm chạp. Mặt khác, tôi có
khối thời gian. Tôi học ngôn ngữ của bạn tại một trại nhập cư, ở Essex,
vùng đông nam Vương quốc Anh. Hai năm, họ đã nhốt tôi trong đấy.
Thời gian là tất cả những gì tôi có.
Nhưng hà cớ gì tôi lại chuốc phiền phức vào người? Đó là vì điều mà
một số đứa con gái lớn hơn giải thích với tôi: để sống sót, bạn phải biết
chưng diện và mồm mép.
Những đứa giản dị và những đứa kiệm lời, hình như giấy tờ của
chúng chẳng bao giờ được giải quyết. Nói theo cách của bạn là chúng
nó bị cho hồi hương. Nói theo cách của chúng tôi là bị tống về nhà
sớm. Như thể đất nước của bạn là một buổi tiệc cho thiếu nhi – một
điều quá tuyệt vời không thể kéo dài mãi mãi. Nhưng những đứa xinh