Nhưng giữa việc bênh vực nhiếp ảnh như một phương tiện tự diễn đạt ưu
việt và việc ca ngợi nhiếp ảnh như một cách ưu việt để bản ngã phục vụ
hiện thực, ta không thấy có khác biệt gì lắm như vẫn tưởng. Cả hai đều tiền
giả định rằng nhiếp ảnh cung ứng một hệ thống phát lộ độc đáo: rằng nó
cho ta thấy hiện thực như chưa từng thấy trước đây.
Đặc tính phát lộ này của nhiếp ảnh thường mang cái tên gọi vẫn gây tranh
cãi là tính hiện thực. Từ quan điểm của Fox Talbot rằng máy ảnh làm ra
“những hình ảnh tự nhiên” đến lời tố cáo nhiếp ảnh “như tranh” của
Berenice Abbott rồi lời cảnh báo của Cartier-Bresson rằng “cái đáng sợ
nhất là cái giả tạo”, hầu hết các tuyên bố trái ngược nhau của các nhà nhiếp
ảnh vẫn cứ hội tụ thành những thú nhận nhu thuận tôn trọng mọi vật như
chúng vẫn là. Với một phương tiện vẫn thường được coi là có tính hiện
thực đơn thuần đến thế, nhẽ ra các nhà nhiếp ảnh đã không cần phải hối
thúc nhau trung thành với hiện thực như vậy. Nhưng họ vẫn tiếp tục hối
thúc – một ví dụ nữa về nhu cầu của các nhà nhiếp ảnh muốn tạo ra cái gì
đó bí hiểm và cấp bách cho quá trình lấn chiếm thế giới của họ.
Nhất định rằng, như lời Abbott, hiện thực chủ nghĩa chính là cốt lõi của
nhiếp ảnh có vẻ cũng không thiết lập được tính ưu việt của một cách làm
hoặc tiêu chí nào cụ thể; không nhất thiết có nghĩa rằng ảnh tài liệu (lời của
Abbott) hơn ảnh đẹp mắt.
(1)
Cam kết hiện thực của nhiếp ảnh có thể đi với
bất kỳ phong cách nào, bất kỳ cách tiếp cận nào trong mọi chủ đề. Đôi khi
nó sẽ được định nghĩa một cách hẹp hơn, như khi tạo ra những hình ảnh
giống và có thông tin về thế giới. Diễn dịch một cách rộng hơn, phản ánh
tâm lý không còn tin vào sự giống đơn thuần vẫn là nguồn hứng khởi của
hội họa trong hơn một thế kỷ, hiện thực nhiếp ảnh có thể – và ngày càng
phổ biến – được định nghĩa không như những gì “thực sự” ở ngoài kia, mà
như những gì tôi “thực sự” nhận thức được. Trong khi mọi hình thức nghệ
thuật hiện đại đều tự nhận có quan hệ uy thế hơn với hiện thực, tự nhận này
đặc biệt đúng với nhiếp ảnh. Tuy nhiên, cuối cùng thì nhiếp ảnh cũng vẫn
không hơn gì hội họa trong chuyện có hay không có mối quan hệ đơn giản