nơi cùng chốn của nó – mới là “thông điệp” của nhiếp ảnh, là bản chất xâm
lăng của nó.
Những hình ảnh nhằm lý tưởng hóa (như hầu hết ảnh chụp thời trang và
động vật) cũng xâm lăng chẳng kém gì loại ảnh nhằm tạo phẩm giá cho
những nôm na bình dị (như ảnh lớp học, ảnh tĩnh vật kiểu trần trụi, ảnh
chân dung để nhận dạng). Chất xâm lăng luôn hàm chứa trong mọi công
dụng của máy ảnh. Nó hiển hiện ngay từ những năm 1840 và 1850, hai thập
niên đầu tiên và huy hoàng của nhiếp ảnh, cũng như trong suốt những thập
niên sau đó, khi tiến bộ công nghệ đã gia tốc sự lan truyền của tâm lý nhìn
thế giới như một bộ những bức ảnh cần phải chụp. Ngay cả những bậc thầy
đầu tiên như David Octavius Hill và Julia Margaret Cameron, những người
dùng máy ảnh như một phương tiện của hội họa, thì cái ý định chụp ảnh ấy
cũng đã khác hẳn với ý định của những người cầm bút vẽ rồi. Ngay từ đầu,
nhiếp ảnh đã có ngầm ý bắt giữ được càng nhiều chủ đề càng tốt. Hội họa
không bao giờ có tầm với vương giả như thế. Thế rồi, việc công nghiệp hóa
các kỹ nghệ nhiếp ảnh đã khiến nó thực hiện được ngầm ý ban đầu ấy của
mình: dân chủ hóa mọi trải nghiệm bằng cách biến chúng thành những hình
ảnh.
Cái thời ấy, khi chụp ảnh còn đòi hỏi những thiết bị cồng kềnh và đắt tiền –
một thứ đồ chơi của những người thông minh, giàu có và đam mê – có vẻ
đã rất xa xưa so với thời đại của những máy ảnh bỏ túi đẹp đẽ gọn nhẹ
khiến ai cũng thích và có thể chụp ảnh. Những máy ảnh đầu tiên, làm ở
Pháp và Anh những năm đầu thập niên 1840, thì chỉ có chính người sáng
chế ra chúng và những người thành thạo lắm mới vận hành được. Mà vì lúc
đó chưa có các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, nên cũng chẳng có nhiếp ảnh
nghiệp dư, và chụp ảnh cũng chưa có công dụng xã hội rõ ràng; nó chỉ là
một hoạt động vô tư theo sở thích, như một hoạt động nghệ thuật, mặc dù
chả có mấy ai giả bộ rằng đó là nghệ thuật. Chỉ khi đã được công nghiệp
hóa rồi thì nhiếp ảnh mới thành một nghệ thuật. Công nghiệp hóa mang lại
những công dụng xã hội cho hoạt động của những người chụp ảnh; còn