phản ứng với những công dụng ấy khiến nhiếp ảnh ngày càng tự biết mình
như một nghệ thuật.
Gần đây, nhiếp ảnh đã thành một thú chơi phổ cập gần như tình dục và
khiêu vũ – có nghĩa là, cũng như mọi hình thức nghệ thuật quần chúng
khác, nhiếp ảnh không còn là một nghệ thuật đối với hầu hết mọi người. Nó
chủ yếu là một nghi lễ xã hội, một cách phòng thủ chống lại nỗi lo lắng sợ
hãi, và một công cụ của quyền lực.
Ghi nhớ thành tựu của những cá nhân được coi là thành viên trong gia đình
(cũng như trong các nhóm khác) là công dụng phổ biến đầu tiên của nhiếp
ảnh. Trong ít nhất là một thế kỷ, chụp ảnh đã là một phần không thể thiếu
của hôn lễ, ngang hàng với các lời thề thốt và những công thức ngôn từ
khác. Máy ảnh đồng hành với đời sống gia đình. Theo một nghiên cứu xã
hội học ở Pháp, hầu hết các hộ gia đình đều có một chiếc máy ảnh, nhưng
các hộ có con cái thì khả năng có máy ảnh là gấp đôi những hộ gia đình
không có con. Không chụp ảnh con, nhất là khi chúng còn nhỏ, là một dấu
hiệu thờ ơ của bố mẹ, hệt như không chịu chụp ảnh tốt nghiệp là một cử chỉ
nổi loạn của tuổi vị thành niên.
Với những tấm ảnh chụp, mỗi gia đình tạo dựng một chân dung-biên niên
của mình – một bộ hình ảnh gọn nhẹ làm chứng cho tình gắn kết ruột thịt.
Chụp gì cũng được, cốt là có ảnh và được nâng niu lưu giữ. Chụp ảnh trở
thành một nghi thức của cuộc sống gia đình đúng vào lúc ở các nước Âu
Mỹ đang công nghiệp hóa, chính cái thiết chế gia đình ấy lại bắt đầu bị giải
phẫu chia cắt. Trong lúc đơn vị gia đình nhỏ, sợ hãi đông đúc, đang bị cắt
rời dần khỏi tổ hợp gia đình lớn, nhiếp ảnh đã xuất hiện để ghi nhớ và níu
giữ một cách biểu tượng sự liền mạch đang bị đe dọa và sức sinh sôi lan tỏa
đang dần biến mất của đời sống gia đình. Những dấu vết chập chờn, những
bức ảnh ấy, tạo được một hiện diện tượng trưng của những người ruột thịt
nay đã ly tán. Một tập ảnh gia đình thường chỉ là về cả cái gia đình lớn ấy –
và cũng thường chỉ là di hài của nó.