Nhiếp ảnh cho người ta có cảm giác đang sở hữu một quá khứ không có
thực, và cũng giúp người ta thấy yên trí trong một không gian xa lạ bất
toàn. Vì vậy mà nhiếp ảnh phát triển một cách mật thiết với một trong
những hoạt động đặc thù nhất của thế giới hiện đại: du lịch. Lần đầu tiên
trong lịch sử, số người thường xuyên du hành khỏi không gian cư trú của
mình trong thời gian ngắn ngày càng đông. Mà có vẻ như rất trái tự nhiên
nếu đi chơi như vậy mà lại không mang theo máy ảnh. Ảnh chụp sẽ là một
bằng chứng không thể chối cãi rằng đã có chuyến đi ấy, rằng chương trình
đã hoàn tất, và đã rất vui vẻ. Những bức ảnh còn làm chứng cho những
cuộc mua sắm nối tiếp nhau mà người nhà, bạn bè và hàng xóm không thấy
được. Nhưng tâm lý phụ thuộc vào máy ảnh để chứng thực những trải
nghiệm của mình không hề phai nhạt đi theo những chuyến đi ấy. Chụp ảnh
cũng thỏa mãn đúng cái nhu cầu ấy của đám thị dân sang chảnh lọc lõi vẫn
tích trữ chiến lợi phẩm hình ảnh chuyến du thuyền ngược dòng sông Nile
hoặc mười bốn ngày ở Trung Hoa, cũng như của những người trung lưu
hạng dưới say sưa chụp ảnh tháp Eiffel hoặc thác nước Niagara trong
những chuyến nghỉ phép của mình.
Chụp ảnh là để chứng thực trải nghiệm, mà cũng là một cách khước từ trải
nghiệm – vì nó khiến cho trải nghiệm bị hạn chế vào việc chỉ tìm những gì
“ăn ảnh”, biến trải nghiệm thành một hình ảnh, một vật lưu niệm. Việc đi
trở thành chỉ là một cách để tích lũy ảnh chụp. Hầu hết du khách cảm thấy
nhất định phải ngăn cách mình với những gì bắt gặp trên đường bằng một
cái máy ảnh. Không biết cách phản ứng nào khác, họ bèn chụp ảnh. Trải
nghiệm của họ được dập khuôn thành: Đứng lại, Chụp ảnh, rồi Đi tiếp.
Phương pháp này đặc biệt hấp dẫn với những người có tật nghiện làm việc
một cách tàn bạo – người Đức, người Nhật và người Mỹ. Sử dụng một cái
máy ảnh làm dịu đi cảm giác lo âu bồn chồn của người nghiện việc khi họ
thấy mình chả làm gì trong lúc đi nghỉ và nhẽ ra phải vui mới đúng. Vậy
nên họ có một thứ gần như một bản sao thân thiện của công việc để làm:
chụp ảnh.