hiện đại quan trọng đó: cái “chủ đề danh nghĩa” và cái “nhàm chán vô cùng
tận”. Nhưng đường lối này không chỉ thu nhỏ tầm quan trọng của nội dung
chủ đề; nó còn nới lỏng bức ảnh khỏi mối liên hệ của nó với cá nhân một
nhà nhiếp ảnh. Cái nhìn nhiếp ảnh không hề được minh họa đầy đủ bởi các
triển lãm cá nhân và hồi cố trong các bảo tàng hiện nay. Để thành chính
danh là một nghệ thuật, nhiếp ảnh phải nuôi cấy được cái nhận định về nhà
nhiếp ảnh như một tác giả và về toàn bộ các ảnh chụp của một nhà nhiếp
ảnh như một bộ tác phẩm của tác giả đó. Những nhận định này dễ áp dụng
với một số nhà nhiếp ảnh hơn là với những người khác. Ví dụ, chúng dễ áp
dụng với Man Ray, người có phong cách và mục đích bao gồm các chuẩn
mực của cả nhiếp ảnh và hội họa, hơn là với Steichen, người mà sự nghiệp
bao gồm từ ảnh trừu tượng, chân dung, quảng cáo thương mại, thời trang và
ảnh thám không (chụp trong quãng đời binh nghiệp của ông qua cả hai
cuộc đại chiến). Nhưng các ý nghĩa mà một bức ảnh có được khi được nhìn
như một phần của một bộ tác phẩm cá nhân lại đặc biệt chả có gì đáng nói
khi cái tiêu chí đánh giá là cái nhìn nhiếp ảnh. Nếu đánh giá theo lối ấy,
chắc phải tìm những ý nghĩa mới của bức ảnh khi đặt nó cạnh các tác phẩm
của nhiều nhà nhiếp ảnh khác – như trong các tuyển tập ảnh, trên tường bảo
tàng hoặc trong sách in.
Những tuyển tập như vậy là để giáo dục thị hiếu về nhiếp ảnh nói chung;
huấn luyện một dạng nhìn có thể khiến mọi chủ đề thành tương đương
nhau. Khi Szarkowski mô tả các trạm xăng, các phòng khách trống rỗng, và
các chủ đề ảm đạm khác như “các mô hình của các sự vật ngẫu nhiên phục
vụ trí tưởng tượng [của nhà nhiếp ảnh]”, cái mà ông thực sự muốn nói là
những chủ đề ấy là lý tưởng đối với máy ảnh. Những tiêu chí tưởng chừng
như hình thức và trung lập của cái nhìn nhiếp ảnh thực ra có tính phán xét
rất mạnh mẽ đối với chủ đề và phong cách. Việc đánh giá lại những ảnh
chụp tự nhiên thoải mái từ thế kỷ 19, nhất là những bức được coi là những
ghi chép khiêm tốn, một phần là do phong cách lấy nét rõ ràng của chúng –
một chỉnh sửa có tính sư phạm đối với phong cách mờ nhòa như tranh của
từ Cameron cho đến Stieglitz, vẫn đi liền với tự nhận là nghệ thuật của