Robinson và Robert Demachy. Vì nhiếp ảnh lấy toàn bộ thế giới làm chủ đề
của mình, nên có đủ chỗ cho tất cả các loại thị hiếu. Thị hiếu văn học thì
còn loại bỏ lẫn nhau: thành công của trào lưu hiện đại trong thơ đã nâng
cao Donne, nhưng lại hạ bệ Dryden. Với văn học, ta có thể chiết trung đến
một mức nào đó, nhưng không thể thích đủ mọi thứ. Với nhiếp ảnh, tinh
thần chiết trung không có hạn độ nào cả. Những bức ảnh mộc mạc từ
những năm 1870 chụp lũ trẻ bị bỏ rơi được nhận vào một cơ sở ở Luân Đôn
gọi là Nhà của Bác sĩ Barnardo (Doctor Barnardo’s Home) – chụp làm hồ
sơ ở đó – cũng cảm động không khác gì những chân dung phức tạp do
David Octavius Hill chụp các nhân vật quý phái Tô Cách Lan thời 1840 –
chụp như ảnh nghệ thuật. Vẻ sắc nét rõ ràng trong phong cách hiện đại cổ
điển của Weston không hề bị lỗi thời trước vẻ mờ nhòa của phong cách
chụp cảnh đẹp mới được Benno Friedman hồi sinh rất tài tình gần đây.
Điều này không phủ nhận chuyện mỗi người xem vẫn cứ thích ảnh của
những người này hơn ảnh của những người khác: ví dụ, hầu hết người xem
có kinh nghiệm bây giờ đều thích Atget hơn Weston. Chuyện này có nghĩa
rằng, do bản chất của nhiếp ảnh, người ta không thực sự phải lựa chọn; và
rằng những ưa thích kiểu ấy phần lớn chỉ đơn thuần là phản xạ. Thị hiếu
trong nhiếp ảnh có khuynh hướng, và có lẽ nhất thiết, mang tính toàn cầu,
chiết trung, rộng lượng, có nghĩa rằng cuối cùng nó sẽ phải gạt bỏ sự khác
biệt giữa thị hiếu tốt và thị hiếu xấu. Đây là cái khiến cho mọi ý định của
các nhà bút chiến nhiếp ảnh muốn dựng một khuôn vàng thước ngọc có vẻ
không chính đáng hoặc ngu dại. Vì có cái gì đó giả tạo trong mọi cuộc
tranh cãi nhiếp ảnh – và những quan tâm của bảo tàng đã đóng một vai trò
quyết định trong việc làm rõ chuyện ấy. Bảo tàng đánh đồng tất cả mọi
trường phái nhiếp ảnh. Mà thật ra, ngay nói đến các trường phái cũng đã
chả có nghĩa gì mấy. Trong lịch sử hội họa, các trào lưu đều có một cuộc
sống và chức năng đích thực: các họa sĩ thường được biết đến và thấu hiểu
theo những đặc tính của trường phái hoặc trào lưu mà họ là thành viên.
Nhưng các trào lưu trong lịch sử nhiếp ảnh thì đều chớp nhoáng, tình cờ,
nhiều khi chỉ như lấy lệ, và không có nhà nhiếp ảnh hạng nhất nào được