mục đích ấy là hoàn thiện ngôn ngữ để cấu trúc hoặc minh giải tư duy trừu
tượng, một việc khác nữa là thăm dò mọi biến thể của các trật tự và âm
hưởng của thi ca.”
Lập luận của Valéry không thuyết phục. Mặc dù một bức ảnh có thể nói là
ghi lại hoặc cho thấy hoặc trình bày, nó không bao giờ nói, không bao giờ
“mô tả”; chỉ ngôn ngữ mới mô tả, vốn là một sự kiện trong thời gian.
Valéry nhắc đến chuyện mở một tấm hộ chiếu ra như một “minh chứng”
cho lập luận của mình: “Dòng mô tả viết trong đó không thể sánh được với
bức ảnh đính ghim kèm theo nó.” Nhưng đây là thứ mô tả theo nghĩa thấp
kém nhất, nghèo nàn nhất; có nhiều đoạn văn của Dickens hoặc Nabokov
mô tả một gương mặt hoặc một phần cơ thể tốt hơn bất kỳ một bức ảnh
chụp nào. Valéry còn nói rằng “nhà văn viết mô tả một phong cảnh hoặc
một gương mặt, dù có tài giỏi đến mấy, vẫn sẽ khiến người đọc có nhiều
hình dung khác nhau.” Nhưng nói thế cũng không chứng minh được rằng
văn học không có sức mạnh mô tả như nhiếp ảnh, vì điều ông nói cũng
đúng hệt với một bức ảnh.
Khi ảnh tĩnh được cho là đã giải phóng các nhà văn khỏi nghĩa vụ mô tả,
thì phim điện ảnh cũng thường được coi là đã lấy mất nhiệm vụ tường thuật
hoặc kể chuyện của nhà viết tiểu thuyết – và nhờ đó, như nhiều người nói,
cũng giải phóng tiểu thuyết để nó làm những việc khác kém hiện thực hơn.
Phiên bản lập luận này thì có lý hơn, vì điện ảnh là một nghệ thuật có tính
thời gian. Nhưng nó cũng không đúng với mối quan hệ giữa tiểu thuyết và
phim điện ảnh.
Một cách khái quát hơn, huyền thoại này đã bỏ qua đặc tính “phàm ăn tục
uống” của nhiếp ảnh. Trong các giao dịch giữa hội họa và nhiếp ảnh, nhiếp
ảnh vẫn luôn chơi tay trên. Không có gì là ngạc nhiên khi các họa sĩ từ
Delacroix và Turner đến Picasso với Bacon đều đã dùng ảnh chụp làm vật
trợ thủ, nhưng không ai nghĩ đến chuyện các nhà nhiếp ảnh phải nhờ đến