kiện, kể cả những sự kiện chúng ta đã từng trải nghiệm và những sự kiện
chưa trải nghiệm – một khác biệt giữa các kiểu trải nghiệm mà thói quen
tiêu thụ vẫn làm mờ nhòa đi. Một dạng thâu tóm thứ ba là, thông qua các
máy móc tạo hình ảnh và nhân bản hình ảnh, chúng ta có thể thâu tóm được
cái gì đó như là thông tin (khác với trải nghiệm). Quả thật, tầm quan trọng
của hình ảnh nhiếp ảnh trong tư cách phương tiện chuyển tải qua đó các sự
kiện thi nhau thâm nhập trải nghiệm của chúng ta, cuối cùng cũng chỉ là
một sản phẩm từ hiệu quả của chúng đối với việc cung cấp tri thức mà
không hề liên quan đến và hoàn toàn độc lập với trải nghiệm.
Còn đây là dạng thâu tóm rộng lớn nhất của nhiếp ảnh. Qua việc được chụp
vào ảnh, một cái gì đó đã trở thành một phần của một hệ thống thông tin,
lắp vừa vào các hệ thống phân loại và lưu trữ bao gồm từ thứ tự ngày tháng
của các ảnh chụp trong album gia đình cho đến những lưu trữ khe khắt liên
tục và vào hồ sơ cực kỳ tỉ mỉ để sử dụng nhiếp ảnh vào việc dự báo thời
tiết, thiên văn học, vi sinh học, trinh sát quân sự, và lịch sử nghệ thuật. Ảnh
chụp không chỉ định nghĩa lại những thứ trong trải nghiệm bình thường
(người, vật, sự kiện, những gì ta thấy bằng mắt thường – cho dù thấy một
cách khác nhau và thường là vô tình), chúng còn thêm rất nhiều thứ chúng
ta chưa hề thấy bao giờ. Hiện thực như vậy cũng được định nghĩa lại – như
một món đồ được triển lãm, như một hồ sơ phải nghiên cứu kỹ, như một
đối tượng bị giám sát. Nhiếp ảnh thăm dò và nhân bản các mảnh vụn của
thế giới rồi đưa chúng vào một hồ sơ vô hạn định, từ đó cho chúng ta
những khả năng kiểm soát mà trước đây có mơ cũng không thấy, khi hệ
thống thu thập thông tin vẫn chỉ là bằng chữ viết.
Chuyện nhiếp ảnh lúc nào cũng có thể là một phương tiện kiểm soát đã
được biết đến từ lúc nó vừa mới ra đời. Năm 1850, Delacroix có ghi lại
trong nhật ký thành công của vài “thí nghiệm nhiếp ảnh” tiến hành tại
Cambridge, nơi các nhà thiên văn học đang chụp ảnh mặt trời và mặt trăng
và đã thu được một dấu ấn chỉ nhỏ bằng đầu kim của ngôi sao Vega. Ông
đã thêm phần nhận xét “hơi lạ” dưới đây: