hệ mới giữa hình ảnh và hiện thực. Mà nếu có thể nói rằng nhiếp ảnh còn
khôi phục cả mối quan hệ nguyên thủy nhất – sự đồng nhất một phần căn
tính của hình ảnh và ngoại vật – thì cái quyền năng của hình ảnh giờ đây lại
được trải nghiệm theo một cách rất khác. Quan niệm nguyên thủy về tác
dụng của hình ảnh được tiền giả định rằng hình ảnh sở hữu các phẩm chất
của vật thật, nhưng chúng ta bây giờ có khuynh hướng gán cho vật thật
những phẩm chất của hình ảnh.
Ai cũng biết rằng người nguyên thủy sợ rằng máy ảnh sẽ lấy mất một phần
hiện hữu của họ. Trong bản tự truyện xuất bản năm 1900, năm cuối của
một cuộc đời rất dài, Nadar kể rằng Balzac cũng có một “nỗi sợ hãi mơ hồ”
tương tự về việc để người khác chụp ảnh mình. Theo Nadar, lý lẽ của
Balzac là:
Tất cả mọi người, ở trạng thái tự nhiên, đều được tạo thành bởi một loạt
những hình ảnh như bóng ma đặt chồng lên nhau thành từng lớp mãi cho
tới vô tận, gói ghém trong những cuốn phim cực kỳ nhỏ... Con người
không bao giờ có khả năng tạo tác, nghĩa là làm ra cái gì đó có thể chất từ
một hình bóng, từ cái gì đó không có mạch đập, hoặc từ hư không mà làm
ra được một vật – cho nên, mỗi một vận hành kiểu như máy ảnh dagguere
đều sẽ bắt giữ, tách rời và dùng hết một trong các lớp lang của tấm thân mà
nó đang chĩa vào.
Tâm lý bất an đặc biệt này có vẻ hợp với Balzac – “Nỗi sợ ấy của Balzac
đối với máy ảnh Dagguereotype là thật hay vờ?” Nadar đã hỏi, và tự trả lời
rằng “Đó là thật...” – vì phương pháp nhiếp ảnh là một quá trình vật chất
hóa, có thể nói vậy, cái độc đáo nhất trong phương pháp viết tiểu thuyết của
ông. Vận hành kiểu Balzac là phóng to những chi tiết nhỏ li ti, giống như
phóng ảnh, là đặt những tính cách hoặc đồ vật không tương thích vào cạnh
nhau, giống như khi bố cục nhiếp ảnh: cách biểu hiện này sẽ khiến cho bất
kỳ một vật gì cũng có thể chắp nối được với bất kỳ một vật gì khác. Với
Balzac, linh hồn của toàn bộ một khung cảnh có thể được tiết lộ nhờ một