chụp bầy con của một tài xế taxi kẹp dưới gương chiếu hậu – tất cả những
công dụng bùa ngải ấy của ảnh chụp diễn đạt một cảm xúc vừa tình cảm
vừa ma thuật một cách kín đáo: chúng là những ý muốn được tiếp xúc hoặc
chiếm ngự một hiện thực khác.
Ảnh chụp có khả năng xúi giục thèm muốn theo kiểu trực tiếp và thực dụng
nhất – như khi người ta sưu tầm những tấm ảnh tương tự như đối tượng
thèm muốn để hỗ trợ thủ dâm. Chuyện sẽ phức tạp hơn nếu muốn dùng ảnh
để kích thích những thôi thúc đạo đức. Thèm muốn thì không có lịch sử –
dù là ít nhất, nó vẫn được trải nghiệm lập tức và lần nào cũng vẫn choán hết
mọi thứ khác. Nó được khêu gợi bởi căn tính cổ đại phổ quát, và theo nghĩa
ấy, nó trừu tượng. Còn cảm xúc đạo đức thì nằm liền với lịch sử, nhân dạng
của nó cụ thể, tình huống của nó lúc nào cũng cụ thể. Vì vậy, sử dụng nhiếp
ảnh để khơi lòng thèm muốn có những qui luật trái ngược hẳn với sử dụng
nhiếp ảnh để đánh thức lương tri. Những hình ảnh huy động được lương tri
luôn có liên hệ với một tình huống lịch sử cụ thể. Chúng càng chung chung
càng kém hiệu quả.
Một bức ảnh đưa tin về một khu vực khốn khổ bất ngờ nào đó không thể
cứa một vết hằn nào vào công luận trừ phi có một bối cảnh cảm xúc và thái
độ thích hợp. Những bức ảnh của Mathew Brady và đồng sự chụp những
cảnh tàn bạo khủng khiếp ngoài chiến trường đã không làm ai bớt hăng hái
đầu quân vào cuộc Nội chiến. Những ảnh chụp những người tù rách rưới
chỉ còn da bọc xương bị giam tại Andersonville đã làm bùng lên lòng căm
giận của dân miền bắc đối với miền nam. (Hiệu quả của bộ ảnh
Andersonville này chắc cũng phần nào do sự mới lạ của nhiếp ảnh lúc bấy
giờ.) Hiểu biết về chính trị mà nhiều người Mỹ đã có được trong thập niên
1960 đã khiến họ, khi nhìn bộ ảnh của Dorothea Lange chụp những người
gốc Nhật ở bờ tây bị chở vào các trại quản thúc năm 1942, nhận ra ngay
chủ đề thật sự của nó: một tội ác của chính phủ đối với một nhóm lớn các
công dân Mỹ. Nhưng trong thập niên 1940, chả có mấy ai nghĩ như vậy, khi
tâm lý ủng hộ tham chiến đang là chủ đạo trong xã hội. Ảnh chụp không