thể tạo dựng được một quan điểm đạo đức, nhưng chúng có thể củng cố
một quan điểm có sẵn – và có thể giúp nuôi dưỡng một quan điểm mới hình
thành.
Ảnh chụp có thể đáng nhớ hơn ảnh động trong điện ảnh, vì chúng là một lát
cắt thời gian sắc bén, không phải một dòng chảy. Truyền hình là một dòng
suối các hình ảnh chọn lọc qua loa, cái nào cũng xóa luôn cái ngay trước
nó. Mỗi bức ảnh chụp là một khoảnh khắc quý hóa riêng biệt, hóa thân
thành một vật thể mỏng gọn ai cũng lưu giữ và nhìn ngắm lại được. Những
bức ảnh như bức đã lên trang nhất của hầu hết nhật báo trên khắp thế giới
năm 1972 – chụp một đứa trẻ Nam Việt Nam trần truồng vừa dính lửa bom
cháy của Mỹ, đang chạy trên xa lộ thẳng về hướng máy ảnh, hai tay dang
ra, gương mặt gào thét đớn đau – có thể đã làm gia tăng dư luận phản chiến
còn hơn hàng trăm giờ những câu chuyện tàn bạo trên màn ảnh truyền hình.
Ta vẫn muốn tưởng tượng rằng công chúng Mỹ sẽ không đồng lòng với
cuộc Chiến tranh Triều Tiên đến mức ấy nếu như họ đã được đối diện với
những bằng chứng nhiếp ảnh của cuộc tàn phá Triều Tiên, một cuộc diệt
chủng và diệt môi sinh mà về nhiều phương diện còn kỹ lưỡng hơn cả
những gì đã giáng xuống Việt Nam một thập niên sau đó. Nhưng cái tưởng
tượng có tính giả dụ ấy chả nghĩa lý gì. Công chúng không thấy những bức
ảnh ấy vì chúng bị ý thức hệ ngăn cấm. Không ai mang về những tấm ảnh
chụp cuộc sống thường ngày ở Bình Nhưỡng để cho thấy rằng kẻ thù cũng
có một bộ mặt người, như Felix Greene và Marc Riboud đã mang về những
tấm ảnh chụp Hà Nội. Người Mỹ đã xem được những ảnh chụp nỗi thống
khổ của người Việt Nam (phần nhiều có nguồn gốc quân sự được chụp với
nhiều ý định và công dụng khác nhau) bởi vì các nhà báo cảm thấy họ được
ủng hộ khi nỗ lực săn lùng những hình ảnh ấy – một sự kiện lúc ấy đã được
đông đảo công chúng coi là một cuộc chiến tranh thực dân man rợ. Cuộc
chiến ở Triều Tiên thì khác – người ta đã coi đó là một phần của cuộc tranh
đấu chính nghĩa mà Thế giới Tự do tiến hành chống lại Liên Xô và Trung