NƯỚC MỸ, TĂM TỐI QUA ẢNH
K
hi Walt Whitman dõi theo những viễn cảnh dân chủ của văn hóa, ông đã cố
không nhìn đến cái khác biệt giữa đẹp và xấu, giữa quan trọng và vặt vãnh.
Hình như với ông, những phân biệt đối xử về giá trị, trừ những phân biệt
hào phóng nhất, đều là thái độ cung phụng hoặc kệch cỡm. Nhà tiên tri can
đảm và phiêu diêu nhất trong cuộc cách mạng văn hóa của chúng ta đã
hùng biện thật lớn lao cho tinh thần cởi mở và chân thực. Ông hàm ý rằng
không ai nên lèm bèm về chuyện đẹp – xấu, còn ông thì là người đang chấp
nhận một vòng ôm đủ lớn của hiện thực, của sự dung nạp và sức sống của
trải nghiệm Mỹ trong thực tại. Mọi sự mọi vật, kể cả những ti tiện, đều phát
sáng lấp lánh trong nước Mỹ của Whitman – cái nơi chốn lý tưởng mà lịch
sử đã hiện thực hóa, nơi mà “khi mọi sự tự hiển lộ, chúng đều nhuần gội
trong ánh sáng”.
Cuộc Cách mạng Văn hóa Mỹ Vĩ đại được hiệu triệu trong lời bạt ấn bản
đầu tiên của tập thơ Leaves of Grass (1855) đã không diễn ra, khiến nhiều
người thất vọng, nhưng không ai ngạc nhiên. Một nhà thơ vĩ đại đơn độc
không thể làm biến đổi khí hậu đạo đức. Ngay cả khi nhà thơ ấy có hàng
triệu Hồng Vệ binh theo lệnh mình đi nữa thì cũng chả dễ dàng gì. Như mọi
nhà tiên tri của các cuộc cách mạng văn hóa, Whitman tưởng ông đã thấy
hiện thực đang vượt qua nghệ thuật, khiến nghệ thuật không còn bí nhiệm
nữa. “Hợp Chủng Quốc này – tinh túy của nó đã là một áng thi ca vĩ đại
nhất.” Nhưng khi chả có cuộc cách mạng văn hóa nào diễn ra, và áng thi ca
vĩ đại ấy của thời đại Cộng hòa có vẻ không còn như vậy nữa khi nước Mỹ
trở thành Đế chế, thì chỉ còn các nghệ sỹ thực sự muốn tiếp tục chương
trình siêu nghiệm dân chủ của Whitman, dân chủ hóa giá trị của đẹp và
xấu, quan trọng và vặt vãnh. Không hề bị hiện thực lột trần vẻ bí nhiệm của