là nhân vật danh tiếng cả. Không thời điểm nào quan trọng hơn bất kỳ một
thời điểm nào khác; không ai thú vị hơn ai.
Đề từ cho một tập sách ảnh của Walker Evans do Bảo tàng Nghệ thuật Hiện
đại xuất bản là một đoạn viết của Whitman, cất lời cho cái chủ đề của cuộc
truy tìm sáng giá nhất của nhiếp ảnh Mỹ:
Tôi không nghi ngờ gì nữa – phẩm giá cao quý và cái đẹp của thế giới tiềm
ẩn trong mọi vặt vãnh nhỏ bé nhất… Tôi không nghi ngờ gì nữa – mọi vụn
vặt, côn trùng, những người thô lậu, nô lệ, những người lùn dị dạng, cỏ
dại, những thứ phế thải, đều chứa đựng nhiều thứ hơn hẳn những gì tôi
từng giả định…
Whitman đã nghĩ ông không xóa bỏ cái đẹp mà đang tạo ra nó. Cũng như
thế, nhiều thế hệ nhiếp ảnh gia Mỹ tài năng đều tin rằng họ đang tạo ra cái
đẹp trong cuộc nghiệp chiến theo đuổi cái vặt vãnh và thô lậu. Nhưng trong
số các tay máy chuyên nghiệp Mỹ trưởng thành sau Thế Chiến II, sứ mệnh
của tư tưởng Whitman muốn ghi chép toàn bộ những cởi mở và chân thực
hoàng tráng của trải nghiệm Mỹ đã trở thành chua chát. Khi chụp ảnh
những người lùn dị dạng, ta không ghi chép được phẩm giá cao quý và cái
đẹp. Ta chỉ có những người lùn dị dạng.
Bắt đầu từ những hình ảnh được in lại và trở thành thiêng liêng trong tờ tạp
chí sang trọng Camera Work do Alfred Stieglitz xuất bản từ 1903 đến 1917
và được trưng bày trong gallery của ông ở New York từ 1905 đến 1917 tại
291 Đại lộ 5 (Lúc đầu gọi là Little Gallery of the Photo- Secession, sau này
chỉ đơn giản là “291”) – tờ tạp chí và gallery được đánh giá là diễn đàn
tham vọng nhất về các giá trị của Whitman – nhiếp ảnh Mỹ đã đi từ khẳng
định đến xói mòn, và cuối cùng thành một giễu nhại của chương trình
Whitman. Trong giai đoạn lịch sử ấy, Walker Evans là hình tượng mẫu mực
nhất về nghề nghiệp và đạo đức. Ông là nhiếp ảnh gia vĩ đại cuối cùng với
những tác phẩm nghiêm túc và tự tin trong tâm trạng phái sinh từ chủ nghĩa
nhân bản say đắm của Whitman, tổng kết được những gì đã có trước đó (ví