của ông. Máy ảnh của Evans cho ta thấy cùng một vẻ đẹp trịnh trọng bên
ngoài những ngôi nhà kiến trúc kiểu Victoria ở Boston đầu những năm
1930 cũng như các nhà kho cao tầng trong phố chính nhiều thị trấn ở
Alabama năm 1936. Nhưng đó là một san bằng nâng cao, chứ không hạ
thấp. Evans muốn ảnh của ông phải “có học, có thẩm quyền, và siêu
nghiệm”. Chu cảnh đạo đức của thập niên 1930 không còn là của chúng ta
nữa, những tính từ ấy hôm nay đã thành khó hiểu. Không ai đòi hỏi nhiếp
ảnh phải “có học”. Không ai có thể tưởng tượng nó có thể “có thẩm
quyền”. Không ai biết có cái gì, mà nhất là nhiếp ảnh, lại có thể thành “siêu
nghiệm”.
Whitman rao giảng lòng cảm thông, hòa trong bất hòa, riêng trong chung.
Giao hợp tâm thần với mọi vật, mọi người – thêm cả hòa quyện nhục cảm
(khi có thể) – là một cuộc hành trình ngây ngất đã được ông quyến dụ công
khai, hết lần này đến lần khác, trong những lời bạt và các bài thơ. Lòng
khao khát muốn làm tình với cả thế giới ấy cũng quyết định cả hình thức và
giọng điệu của thơ ông. Thơ Whitman là một công nghệ tâm thần phù phép
người đọc vào một trạng thái hiện hữu mới (một dạng thu nhỏ của nền “trật
tự mới” được mường tượng cho tổ chức xã hội); chúng có chức năng rõ
ràng, giống như thần chú – chức năng chuyển giao năng lượng. Những lặp
đi lặp lại, những ngữ điệu bùng nổ, những liền dòng tuôn chảy, và những
phát âm mạnh mẽ làm thành một thác cảm hứng sáng tạo thế tục với mục
đích khiến tâm thần người đọc bay bổng, phóng họ lên đến tầng cao nơi họ
có thể thấy mình là một phần của quá khứ cũng như những ước vọng của
đất Mỹ. Nhưng cái thông điệp thôi thúc đồng diện với những người Mỹ
khác như thế nay đã thành xa lạ với bản tính của chúng ta.
Tiếng thở cuối cùng của vòng ôm ái quốc và ái dục kiểu Whitman mà
người ta nghe thấy, dù đã hoàn vũ hóa và gột bỏ mọi đòi hỏi, là từ cuộc
triển lãm “Family of Man”, do Edward Steichen, bạn đồng tuế với Stieglitz
và là người đồng sáng lập Photo-Secession, tổ chức năm 1955. Năm trăm
linh ba bức ảnh của 273 tay máy từ 68 nước được chọn bày với ý định hợp