Steichen chọn ảnh với lòng tin rằng về bản chất và thân phận con người thì
ai cũng như ai. Khi cố tình cho thấy mọi cá nhân ở mọi chốn đều được sinh
ra, lao động, cười vui và qua đời hệt như nhau, “The Family of Man” chối
bỏ cái sức nặng quyết định của lịch sử – của những khác biệt, bất công và
xung đột đích thực có căn cốt ở lịch sử. Ảnh của Arbus thì cắt bỏ chính trị
cũng thẳng thừng như thế, bằng cách khơi ra một thế giới trong đó ai cũng
là một người khác lạ, lẻ loi một cách tuyệt vọng, tê liệt trong những căn
tính và quan hệ què quặt và máy móc. Cái ngước lên nhu thuận trong tuyển
tập ảnh của Steichen và cái nhìn xuống buồn thảm lạnh lẽo trong triển lãm
hồi cố của Arbus – cả hai đều bỏ qua vai trò của lịch sử và chính trị. Một
người thì bằng cách hoàn vũ hóa thân phận con người, thành niềm vui;
người kia thì bằng cách nguyên tử hóa nó, thành nỗi khủng khiếp.
Cái khác thường nhất trong tác phẩm của Arbus là thế này: hình như bà đã
chọn một nhánh nghệ thuật nhiếp ảnh dữ dội nhất – chỉ chụp các nạn nhân,
những kẻ bất hạnh – nhưng lại không phải vì nặng lòng thương cảm như
thường thấy ở một công việc như vậy. Ảnh của bà cho thấy những con
người bệnh hoạn, đáng thương, và kể cả đáng ghê tởm, nhưng lại không gợi
được một thứ day dứt thương cảm nào của người xem. Chính vì cái có thể
gọi là quan điểm vô can ấy mà ảnh của bà lại được ca ngợi là chân xác và
không rơi vào bi lụy với chủ đề. Cái thực sự là tính bạo liệt đối với công
chúng của những bức ảnh ấy lại được đón nhận như một thành tựu đạo đức:
vì nó không cho phép người xem giữ khoảng cách với những nhân vật
trong ảnh. Nói một cách dễ hiểu hơn, những bức ảnh của Arbus – với sự
chấp nhận những cái đáng kinh tởm như thế – khơi gợi một thơ ngây vừa e
ấp vừa thâm hiểm, vì nó dựa trên khoảng cách, trên đặc quyền, trên một
cảm giác rằng cái mà chúng muốn người xem nhìn thấy thực sự chỉ là cái
khác. Bunuel, khi một lần được hỏi tại sao ông làm phim, đã nói rằng ấy là
“để cho thấy đây không phải là thế giới tốt đẹp nhất nếu còn có những thế
giới khác”. Arbus lấy ảnh chụp để cho thấy một điều đơn giản hơn – rằng
đang còn có một thế giới khác.