thành một lời chứng rằng nhân loại là “một”, rằng con người, dù có đủ mọi
khiếm khuyết và hư đốn, vẫn là những sinh linh hấp dẫn. Người trong ảnh
triển lãm thuộc đủ mọi chủng tộc, lứa tuổi, giai cấp, đủ các kiểu thể chất.
Nhiều người trong số họ có thân hình đặc biệt đẹp đẽ, một số có những
gương mặt đẹp đẽ. Whitman hối thúc người đọc thơ ông đồng nhập với
mình và với nước Mỹ, còn Steichen thì làm cuộc triển lãm ấy nhằm cho
người xem đồng nhập với thật nhiều những người trong ảnh, và có thể với
chính chủ đề của tất cả những ảnh chụp ấy: những công dân của toàn bộ
Thế giới Nhiếp ảnh.
Mãi 17 năm sau đó nhiếp ảnh mới lại thu hút được nhiều người xem như
thế tại Museum of Modern Art: để xem cuộc triển lãm hồi cố các tác phẩm
của Diane Arbus tổ chức năm 1972. Ở triển lãm này, 112 bức ảnh, tất cả
đều của một người chụp, và tất cả đều tương tự nhau – nghĩa là tất cả
những người trong ảnh đều hệt như nhau (theo một nghĩa nào đó) – đã áp
đặt một cảm giác trái ngược hẳn với vẻ nồng hậu tha thiết trong triển lãm
của Steichen. Thay vì con người có dáng vẻ khiến ta dễ chịu, những người
bình dị gần gũi, triển lãm Arbus cho xếp hàng toàn những quái vật đủ loại
và những hạng người không còn biết gọi là gì nữa – hầu hết đều xấu xí, ăn
vận quái dị hoặc bất cần đời; giữa những cảnh thê thảm hoặc trần trụi –
những người đã sững lại giữa chừng để được vào ảnh, và thường xoáy
thẳng vào ống kính với một tia nhìn riêng tư bộc trực. Tác phẩm của Arbus
không mời mọc người xem nhận ra mình trong những con người lạc loài có
bộ dạng khốn khổ mà bà chụp vào ảnh. Nhân loại không phải là “một”.
Ảnh của Arbus chuyển tải cái thông điệp phản-nhân loại rất dễ làm khó
chịu những người có thiện chí trong thập niên 1970, những người đã từng
mong được an ủi và giải khuây trong thông điệp nhân bản ủy mị của thập
niên 1950. Thực ra, hai thông điệp này cũng chả mấy khác nhau như người
ta tưởng. Triển lãm Steichen là một ngước lên, còn triển lãm Arbus là một
nhìn xuống, nhưng cả hai cách nhìn ấy đều có tác dụng như nhau trong việc
gạt bỏ cách tìm hiểu hiện thực có tính lịch sử.