cắm trại của dân sống khỏa thân. Ai vào ảnh của Arbus cũng thành quái dị
– một thằng bé đang chờ đi diễu hành ủng hộ chiến tranh, đội mũ nan của
dân chơi thuyền, đeo huy hiệu có chữ “Bomb Hanoi”; Vua với Hoàng Hậu
trong một Vũ hội của các Công dân Cao tuổi; một cặp vợ chồng ngoại ô
chừng 30 tuổi nằm duỗi dài trên ghế vải ngoài sân cỏ; một bà góa ngồi một
mình trong phòng ngủ chất đầy đồ đạc. Trong bức ảnh “Một người khổng
lồ Do Thái ở nhà với bố mẹ mình tại Bronx, New York, 1970”, hai vị phụ
huynh trông như tí hon dị dạng bên dưới anh con to lớn cũng dị dạng không
kém đứng lom khom trong gian phòng sinh hoạt chung trần thấp lè tè.
Cái tương phản giữa chủ đề rất chát chúa và cái nhìn chăm chú nhưng bình
tĩnh thản nhiên của Arbus đã tạo nên sức mạnh thẩm quyền cho những bức
ảnh của bà. Cái phẩm chất chăm chú ấy – chăm chú của người chụp, chăm
chú của đối tượng vào việc mình được chụp – tạo nên cái sân khấu đạo đức
của những bức chân dung trực diện đầy tinh thần chiêm nghiệm của Arbus.
Không hề theo lén những người quái dị và lạc loài, không hề chụp trộm,
nhà nhiếp ảnh này đã làm quen với họ, khiến họ yên trí làm mẫu cho bà,
bình tĩnh và nghiêm cẩn không khác gì những nhà quý tộc thời Victoria
ngồi làm mẫu chụp chân dung trong phòng ảnh của Julia Margaret
Cameron. Phần lớn sự bí hiểm trong ảnh của Arbus là ở chỗ chúng khiến ta
tò mò không biết những người trong ảnh đã cảm thấy như thế nào sau khi
đồng ý để mình được lên ảnh. Liệu họ có thấy mình đúng như trong ảnh
không? Họ có biết họ quái đản như thế nào không? Có vẻ như là không.
Nếu mượn cái nhãn đường bệ của Hegel, thì chủ đề ảnh của Arbus là “the
unhappy consciousness” – “tâm thức bất hạnh”. Nhưng hầu hết các nhân
vật trong gánh hát khủng khiếp của Arbus đều có vẻ không biết mình xấu
xí. Arbus chụp người ta trong các mức độ vô thức khác nhau hoặc không hề
có ý thức về nỗi đau và sự xấu xí của mình. Chính thế mà không phải loại
khủng khiếp nào cũng thu hút bà khi chụp ảnh. Nó loại trừ ngay những
người có vẻ đã biết nỗi thống khổ của mình là gì, như người bị tai nạn, nạn
nhân của chiến tranh, nạn đói, và của đàn áp chính trị. Arbus chắc sẽ không