(1)
Thực ra thì tưởng như vậy cũng không sai. Khi không biết là có người
khác nhìn mình, người ta thường có vẻ mặt khác với lúc biết là mình bị để
ý. Nếu không biết Walker Evans đã chụp bộ ảnh tàu điện ngầm như thế nào
(đứng trong toa tàu hàng trăm tiếng đồng hồ, máy ảnh dấu trong người,
ống kính chỉ thò ra như một cái khuy của chiếc áo khoác), ta vẫn cứ biết
ngay là những hành khách ngồi trong ảnh kia, mặc dù trực diện và cận
cảnh, không hề biết là họ đang bị chụp ảnh; vẻ mặt của họ rất riêng tư chứ
không như lúc họ ngồi để được chụp vào ảnh.
Hầu hết ảnh của Arbus đều có đối tượng đang nhìn thẳng vào ống kính.
Điều này khiến họ trông có vẻ bất thường lạ lẫm, gần như là mất trí. Hãy so
sánh bức ảnh của Lartigue năm 1912 chụp một người đàn bà đội mũ cắm
lông chim và đeo chàng mạng (“Racecourse at Nice” – “Quần ngựa ở
Nice”) với bức “Woman with a Veil on Fifth Avenue, NYC, 1968” – “Đàn
bà Choàng mạng ở Đại lộ Năm, New York City, 1968”. Ngoài vẻ xấu xí
đặc trưng của những người được Arbus chụp vào ảnh (Còn mẫu của
Lartigue thì đặc trưng là đẹp), cái khiến cho người đàn bà của Arbus trông
lạ lùng là vẻ vô thức dạn dĩ khi tạo dáng để vào ảnh. Nếu chị đầm của
Lartigue mà ngoảnh lại nhìn, có lẽ trông cũng lạ lùng gần như thế.
Ở cái văn thông thường của ảnh chân dung, nhìn thẳng vào ống kính đồng
nghĩa với thái độ nghiêm túc, chân thành, bộc lộ được bản chất của người
mẫu. Vì vậy mà nó có vẻ đúng với những ảnh nghi lễ (như ảnh đám cưới,
tốt nghiệp), mà lại không thích hợp lắm với những ảnh dùng để cổ động
cho các ứng viên chính trị. (Với các chính khách thì cái nhìn ba-phần-tư
gương mặt thông dụng hơn: một cái nhìn bay bổng chứ không đối diện,
khơi gợi một mối quan hệ với người xem, với hiện tại, một mối quan hệ
trừu tượng gợi cảm thức cao thượng đối với tương lai.) Cách chụp trực diện
của Arbus sở dĩ gây được ấn tượng mạnh đến thế là vì đối tượng của bà
thường không phải là người thích nộp mình cho máy ảnh một cách thân
thiện và ngây thơ tin cậy như vậy. Cho nên trong ảnh của Arbus, trực diện
cũng là một hàm ý sinh động nhất về thái độ hợp tác của đối tượng. Muốn