mình, các bộ môn nghệ thuật Mỹ, nhất là nhiếp ảnh, giờ lại đang hào hứng
lột trần vẻ bí nhiệm của hiện thực.
Trong những thập niên đầu tiên của mình, sản phẩm nhiếp ảnh phải là
những hình tượng được lý tưởng hóa. Đây vẫn đang là mục đích của hầu
hết các nhiếp ảnh gia nghiệp dư, những người tin rằng ảnh đẹp nghĩa là ảnh
chụp một cái gì đó đẹp, như một người đàn bà, một cảnh hoàng hôn. Năm
1915, Edward Steichen chụp một chai sữa đứng trên một bậc cầu thang sắt
thoát hiểm, ví dụ khởi đầu cho một ý tưởng hoàn toàn khác về một bức ảnh
đẹp. Và từ những năm 1920, các tay máy chuyên nghiệp, những người có
ảnh bày trong các bảo tàng, bắt đầu rời bỏ các chủ đề thi vị lãng mạn để
không ngừng thăm dò, một cách có ý thức, các đề tài nôm na, rẻ rúng và
thậm chí chả có gì hấp dẫn. Trong những thập niên vừa qua, nhiếp ảnh đã
thành công trong việc cải chính phần nào những định nghĩa thông dụng về
cái đẹp cái xấu – theo đường lối mà Whitman đã đề xuất. Nếu (theo lời
Whitman) “mỗi một vật thật sự, mỗi trạng huống thật sự, mỗi một kết hợp
hoặc quá trình thật sự, đều trưng ra một vẻ đẹp của nó”, thì việc phân biệt
những cái này mới là đẹp còn những cái khác thì không lại thành rất giả
tạo. Nếu “mọi thứ người ta làm hoặc nghĩ đều đáng lưu truyền”, thì việc coi
những khoảnh khắc này là quan trọng còn hầu hết những lúc khác là vặt
vãnh cũng thành chủ quan giả tạo.
Chụp ảnh là tạo quan trọng. Có lẽ chủ đề nào cũng có thể làm đẹp được;
hơn nữa, không cách gì có thể chẹn đường cái khuynh hướng cố hữu trong
mọi bức ảnh chụp là muốn tạo giá trị cho chủ đề của mình. Nhưng ý nghĩa
của bản thân giá trị ấy thì có thể biến đổi – như trong văn hóa đương đại
chẳng hạn, hình tượng nhiếp ảnh hiện nay chỉ có giá trị như một giễu nhại
tinh thần tiên tri của Whitman. Trong những tư thất bề thế của nền văn hóa
tiền dân chủ, ai mà được chụp vào ảnh đều thành người nổi tiếng. Còn
trong những cánh đồng giữa trời của trải nghiệm Mỹ, như đã được
Whitman say sưa thu thập, rồi được Warhol nhún vai đánh giá, thì ai cũng