choáng váng khi chìm ngập vào những trải nghiệm không thể làm đẹp
được, những bắt gặp bất ngờ với những cấm kị, bệnh hoạn, xấu ác.
Arbus quan tâm đến những thứ quái dị cũng cho thấy bà mong muốn xâu
xé sự thơ ngây của chính mình, phá hủy cái tự cảm được trọng đãi ở đời, xả
bỏ nỗi chán ghét thấy mình an lạc. Ngoài West ra, thập niên 1930 chỉ sản
sinh vài ví dụ về kiểu tâm lý chán ghét này – một tâm lý sẽ thành khá điển
hình ở thế hệ những người trung lưu có học, trưởng thành trong giai đoạn
1945-1955 – và sẽ nở rộ trong những năm 1960.
Thập niên những tác phẩm nghiêm túc của Arbus trùng hợp và cũng rất
đúng chất với những năm 1960 – khi những quái dị trở thành công khai,
thành một chủ đề được chấp nhận và an toàn cho nghệ thuật. Những thứ mà
trong những năm 1930 còn gây kinh hãi – như trong các phim Miss Lonely-
hearts và The Day of the Locust – thì đến những năm 1960 đều thành hoàn
toàn bình thường, hoặc còn được thưởng thức một cách tích cực (như trong
các phim của Fellini, Arrabal, Jodorowsky, trong những truyện tranh bán
giấu giếm, những màn diễn nhạc rock choáng lộn). Bắt đầu thập niên 1960,
sân khấu chuyên diễn những trò quái dị đang rất ăn khách tại công viên
Coney Island bị đóng cửa; người ta đòi dọn sạch khu vực tụ tập của người
chuyển giới và đĩ đực ở Times Square để lấy đất xây nhà chọc trời. Khi cư
dân của những hạ giới lạc loài bị trục xuất khỏi những lãnh thổ hạn hẹp của
họ – bị cấm đoán như một thứ trái khoáy, một phiền toái công cộng, tục tĩu,
hoặc chỉ vì chả mang lại tí lời lãi gì – họ lại len lỏi ngày càng nhiều vào
tâm thức như một chất liệu chủ đề của nghệ thuật, thu vén được màng
màng một tính chính danh nhất định và một gần gũi mang tính ẩn dụ, mà
chính vì vậy lại càng xa cách hơn.
Có lẽ không ai có thể tường tận về cái quái dị hơn một người như Arbus,
vốn là một nhiếp ảnh gia thời trang chuyên nghiệp – một nhà chế tác những
giả tạo trang điểm để che giấu những cộc lệch bướng bỉnh về nòi giống,
giai cấp và hình thể. Nhưng khác với Warhol, người đã có nhiều năm làm