nghệ sĩ thương mại, Arbus không sáng tác với thái độ cổ động và bỡn cợt
thẩm mỹ hào nhoáng như đã được huấn luyện trong nghề, mà hoàn toàn
khước từ nó. Tác phẩm của Arbus là phản kháng – phản kháng lối sống
trưởng giả, phản kháng những gì đã được chấp nhận. Đó là cách bà văng
tục chửi tờ Vogue, chửi thời trang, chửi những gì xinh đẹp. Sự phản kháng
ấy có hai hình thức không hoàn toàn tương thích với nhau. Một là nổi loạn
chống lại sự nhạy bén đạo đức phát triển quá cao của người Do Thái. Còn
cuộc nổi loạn kia, bản thân cũng cháy bỏng đạo đức, thì chĩa vào cảnh giới
thành đạt của thế giới. Cuộc mưu loạn của nhà đạo đức thì coi đời thất bại
là thuốc giải độc cho đời thành đạt. Cuộc mưu loạn của nhà mỹ học, mà
thập niên 1960 đã coi là sự nghiệp riêng của nó, thì coi đời quái dị là thuốc
giải độc cho đời nhàm chán.
Hầu hết tác phẩm của Arbus vẫn nằm trong khuôn khổ thẩm mỹ của
Warhol, nghĩa là, chúng định vị mình trong tương quan với hai cực song
sinh: nhàm chán và quái dị; nhưng chúng không mang phong cách Warhol.
Arbus không có máu say mê bản thân và thiên tài tạo danh tiếng của
Warhol, cũng không có cái vẻ tỉnh bơ mang tính tự vệ mà ông dùng để cách
ly mình khỏi cái quái dị, và thiếu cả chất sướt mướt thống thiết của ông
nữa. Một người như Warhol, xuất thân cần lao, chắc không thể có những
cảm xúc mâu thuẫn đối với sự thành đạt ở đời, rất phổ biến trong đám con
cái các gia đình Do Thái trung lưu hạng trên ở thập niên 1960. Với một
người được nuôi dưỡng để thành một tín đồ Công giáo, như Warhol (và gần
như tất cả những người khác trong băng nhóm của ông), mối quan tâm sâu
sắc và hăng hái đến cái ác hình thành một cách tự nhiên hơn nhiều so với
một người có thân thế Do Thái. So với Warhol, Arbus rõ ràng có vẻ dễ bị
tổn thương, ngây thơ, và chắc chắn là bi quan hơn. Cái nhìn kiểu Dante
nhìn địa ngục của bà đối với thành phố (và cả các ngoại ô) chẳng che đậy
một tí mai mỉa nào. Mặc dù rất nhiều chất liệu của Arbus chả khác gì
những chất liệu của Warhol, ví dụ như trong phim Chelsea Girls (1966),
ảnh của bà không bao giờ chơi nghịch với nỗi ghê rợn, nắn bóp nó làm trò
cười; chúng không dẫn đến chế giễu, cũng không có khả năng làm thân với