“Mọi đàn ông đàn bà mà nhà văn từng biết đều đã trở thành quái dị,”
Anderson đã nói thế trong lời phi lộ cuốn Winesburg, Ohio (1919), nhẽ ra
đã có tiêu đề ban đầu là The Book of the Grotesque (Quái dị tùng thư). Rồi
ông nói tiếp: “Những cái quái dị không phải tất cả đều khủng khiếp. Có
những cái cũng vui, có cái còn gần như là đẹp...” Chủ nghĩa Siêu thực là
nghệ thuật khái quát hóa cái quái dị để rồi phát hiện những sắc thái (và mê
hoặc) trong đó. Cái nhìn Siêu thực mà được trang bị bằng nhiếp ảnh thì
không còn gì bằng, và cuối cùng thì chúng ta đều nhìn tất cả mọi ảnh chụp
một cách siêu thực. Người ta lục lọi gác xép và lưu trữ của các hội lịch sử
thành phố và tiểu bang để tìm ảnh chụp thời xưa, ngay cả những nhiếp ảnh
gia chả ai biết đến hoặc đã bị lãng quên cũng được phát hiện lại. Sách ảnh
cứ chồng cao mãi lên – đo lường quá khứ đã mất (nhờ vậy mà nhiếp ảnh
nghiệp dư được lên chức), cặp sốt hiện tại. Ảnh chụp cho thấy lịch sử ngay
lập tức, xã hội học ở đó luôn, cho ta tham dự tức thì. Những dạng đóng gói
hiện thực này có một cái gì đó khiến ta thấy bớt đau đớn một cách rất đáng
kể. Chiến lược Siêu thực, vốn hứa hẹn một lợi thế mới đầy phấn khích để
phê phán mạnh mẽ nền văn hóa hiện đại, đã tan rã thành một mai mỉa dễ
dãi đánh đồng tất cả mọi bằng chứng, coi tình trạng lỗ mỗ bằng chứng ấy là
lịch sử. Chủ nghĩa Siêu thực chỉ có thể đưa ra được một phán xét phản
động; chỉ có thể hiểu lịch sử là một tích lũy đầu thừa đuôi thẹo, một trò
đùa, một chuyến đi chết chóc.
Ưa thích trích dẫn (và đặt các trích dẫn không nhất quán ở cạnh nhau) là
một thị hiếu Siêu thực. Cho nên Walter Benjamin – người có cảm nhận siêu
thực sâu sắc nhất ta từng biết – là một nhà sưu tầm trích dẫn rất hăng say.
Trong bài tiểu luận trịch thượng của mình về Benjamin, tác giả Hannah
Arendt kể lại rằng “không gì phản ánh tính cách của ông trong những năm
1930 rõ hơn là những cuốn sổ nhỏ bìa đen bất ly thân, trong đó ông miệt
mài ghi chép dưới dạng các câu trích dẫn những gì ông bắt gặp trong sinh
hoạt và sách vở hàng ngày, như thể kéo lưới được ‘ngọc trai’ và ‘san hô’.
Có dịp là ông cất tiếng đọc chúng, đưa chúng cho mọi người cùng xem,
như khoe một bộ sưu tập chọn lọc và quý giá.” Mặc dù có thể coi sưu tầm