ảnh chụp thỏa mãn được nhiều tiêu chí của cuộc xâm lăng Siêu thực –
chúng có mặt ở mọi nơi, rẻ tiền, chẳng cần đẹp mắt lắm. Một bức tranh
phải đặt vẽ hoặc mua về; một bức ảnh thì có thể tìm thấy (trong album hoặc
ngăn kéo), cắt ra (từ báo hoặc tạp chí), hoặc tự chụp một cách dễ dàng. Và
những thứ được chụp vào ảnh thì không những có thể được nhân bản theo
cách mà tranh vẽ không thể theo được, mà còn, theo một nghĩa nào đó, bất
hoại thẩm mỹ. Bức tranh “Bữa tối cuối cùng” (“The Last Supper”) của
Leonardo ở Milan bây giờ trông chả đẹp gì, còn kinh khủng là đằng khác.
Ảnh chụp, khi đã bị phồng rộp, đen đủi, vấy bẩn, rạn nứt, phai mờ, trông
vẫn thích, và thường còn đẹp hơn. (Ở phương diện này, cũng như nhiều
phương diện khác nữa, nhiếp ảnh giống nghệ thuật kiến trúc. Các công
trình kiến trúc đều được thời gian nâng cao giá trị; nhiều công trình, không
phải chỉ có ngôi đền Parthenon, có thể trông còn đẹp hơn khi đã thành đổ
nát.)
Cái gì đúng với ảnh chụp thì cũng đúng với thế giới nhìn theo kiểu nhiếp
ảnh. Nhiếp ảnh kéo dài cái phát kiến văn học từ thế kỷ 18 về vẻ đẹp của
những phế tích đổ nát thành một thị hiếu quần chúng đích thực. Và nó kéo
dài cái đẹp ấy vượt quá những đổ nát lãng mạn, như các phế tích lộng lẫy
trong ảnh chụp của Laughlin, để sang những đổ nát của chủ nghĩa hiện đại
– là bản thân hiện thực. Nhà nhiếp ảnh tham gia hoàn toàn vô ý vào việc cổ
đại hóa hiện thực, và bản thân ảnh chụp là những cổ vật tức thì. Ảnh chụp
tạo dựng một đối tác hiện đại của thể loại kiến trúc có đặc tính lãng mạn
kia, một đổ nát giả tạo: cái đổ nát được tạo ra để tô đậm đặc tính lịch sử của
một phong cảnh, khiến thiên nhiên thành gợi mở – gợi mở về quá khứ.
Tính bất ngờ của nhiếp ảnh khẳng định rằng mọi thứ đều có thể hư nát; tính
tùy tiện của bằng chứng nhiếp ảnh chỉ ra rằng hiện thực về cơ bản là không
thể phân loại được. Hiện thực được tóm tắt thành một hàng các mảnh vụn
tình cờ – một cách xử thế rút gọn đớn đau nhưng bao giờ cũng hấp dẫn.
Minh họa cho mối quan hệ vừa đắc thắng vừa kẻ cả với hiện thực, vẫn là
điểm quy tụ của chủ nghĩa Siêu thực, nhà nhiếp ảnh khăng khăng rằng việc