ANH HÙNG NHÌN
C
hưa có ai phát hiện cái xấu qua ảnh chụp. Mà nhiều người, qua ảnh chụp,
đã lại đang phát hiện cái đẹp. Ngoại trừ những tình huống khi máy ảnh chỉ
dùng để lấy tư liệu, hoặc đánh dấu các nghi lễ xã hội, người ta chụp ảnh là
vì muốn thấy cái gì đó đẹp. (Fox Talbot đã đăng ký bản quyền ảnh năm
1841 dưới cái tên “calotype” – từ chữ kalos, đẹp.) Chưa có ai kêu: “Xấu
chưa kìa! Tôi phải chụp ảnh nó mới được.” Ngay cả khi có người kêu như
thế, họ cũng chỉ muốn nói rằng: “Tôi thấy cái thứ xấu xí ấy... đẹp!”
Những người vừa thoáng thấy cái gì đó đẹp thường than rằng tiếc quá chả
chụp được cho nó tấm ảnh. Vai trò làm đẹp thế giới của máy ảnh đã thành
công đến mức ảnh chụp, chứ không phải thế giới, mới trở thành tiêu chuẩn
của cái đẹp. Chủ nhà tự hào thường cho khách xem ảnh chụp chính nhà
mình thì mới thấy nó đẹp lộng lẫy thế nào. Chúng ta học cách nhìn chính
mình theo kiểu xem ảnh: ảnh có hấp dẫn thì người mới đúng là hấp dẫn.
Ảnh chụp tạo dựng cái đẹp, và qua nhiều thế hệ chụp ảnh, dùng hết cả cái
đẹp ấy. Ví dụ, nhiều cảnh thiên nhiên huy hoàng, khi liên tục bị những tay
máy nghiệp dư say sưa chụp không mệt mỏi, đã không còn vẻ huy hoàng
riêng của chúng nữa. Đứng trước chúng, người ta chỉ còn thấy chúng giống
như trong ảnh.
Nhiều người lo lắng khi sắp được chụp ảnh: không phải họ sợ bị xâm hại
như những người trong các bộ lạc nguyên thủy, mà là sợ bị xấu khi vào
ảnh. Người ta muốn một hình ảnh lý tưởng: một bức ảnh trong đó mình đẹp
nhất. Họ thấy như bị khiển trách khi máy ảnh không cho họ một hình ảnh
hấp dẫn hơn chính mình ngoài đời thật. Nhưng có một số ít đủ may mắn để
là người “ăn ảnh” – nghĩa là vào ảnh (ngay cả khi không trang điểm hoặc