hình tượng anh hùng hiện đại, giống như hình tượng của nhà hàng không
và nhà nhân loại học – mà lại không nhất thiết phải rời nhà đi đâu cả.
Người đọc báo phổ thông được mời chào đi theo “nhà nhiếp ảnh của chúng
ta” trong một “chuyến đi phát hiện”, tới những lãnh địa mới như “thế giới
nhìn từ trên cao”, “thế giới dưới kính hiển vi”, “cái đẹp hàng ngày”, “một
vũ trụ không ai thấy”, “phép lạ của ánh sáng”, “cái đẹp của máy móc”,
những hình ảnh có thể “tìm thấy ngoài phố”.
Đời sống thường nhật được thần tượng hóa, và loại vẻ đẹp chỉ có máy ảnh
tiết lộ được – một góc hiện thực vật chất mà mắt thường không thấy được
hoặc không thể nhận ra một cách thông thường; hoặc những cảnh tổng thể,
như nhìn từ máy bay – đó là những mục tiêu chính mà nhà nhiếp ảnh phải
chinh phục. Có một dạo chụp cận cảnh có vẻ là cách nhìn độc đáo nhất của
nhiếp ảnh. Các nhà nhiếp ảnh thấy rằng cứ thu hẹp góc nhìn thì những hình
lớn lao đẹp đẽ của hiện thực mới lộ diện. Đầu những năm 1840, Fox Talbot
đa tài không chỉ tạo ra những bức ảnh theo các thể loại lấy từ hội họa –
chân dung, cảnh sinh hoạt gia đình, phong cảnh thiên nhiên và đô thị, tĩnh
vật – mà còn khiến máy ảnh nhìn tận vào một cái vỏ ốc, vào cánh bướm
(phóng đại nhờ một kính hiển vi), vào một phần của hai giá sách trong thư
phòng mình. Nhưng các chủ đề của ông vẫn cứ nhìn ra ngay là một vỏ ốc,
là cánh bướm, là sách. Khi cái nhìn thông thường bị xâm phạm hơn nữa –
và vật chụp vào ảnh bị tách biệt khỏi chu cảnh của nó, khiến nó thành trừu
tượng – thì các ước lệ mới về cái gì là đẹp bắt đầu định hình. Cái gì là đẹp
trở thành chỉ là những gì mắt thường không thấy hoặc không thể thấy: cái
nhìn gẫy vỡ và chuyển chỗ mà chỉ máy ảnh mới cung ứng được.
Năm 1915 Paul Strand chụp bức ảnh mà ông đặt tên là “Trừu tượng của
những cái bát” (Abstract Patterns made by Bowls). Trong năm 1917, Strand
chuyển sang cận cảnh của các hình máy móc, và suốt thập niên 1920 thì
nghiên cứu cận cảnh thiên nhiên. Phương thức mới này – thành công nhất
là từ 1920 đến 1935 – có vẻ hứa hẹn những khoái lạc thị giác vô hạn định.
Nó cũng hiệu quả không kém đối với những đồ vật quen thuộc trong gia