BÀN VỀ NHIẾP ẢNH - Trang 94

Tính quen thuộc ngày càng cao không hoàn toàn giải thích tại sao có những
ước lệ này về cái đẹp thì mất dần còn những cái khác lại tồn tại. Sự mòn
mỏi ấy là do cả đạo lý lẫn nhận thức. Strand và Weston khó lòng tưởng
tượng tại sao những quan niệm này về cái đẹp lại có thể thành nhàm chán
đến thế, mà đã có lúc nó có vẻ tất yếu, như Weston đã từng khăng khăng,
rằng hễ đẹp là phải hoàn hảo. Trong lúc nhà họa sỹ, theo Weston, lúc nào
cũng “cố cải thiện thiên nhiên bằng sự áp đặt của chính mình,” thì nhà
nhiếp ảnh “đã chứng mình được rằng thiên nhiên cho ta những bố cục hoàn
hảo vô tận – chỗ nào cũng có trật tự của nó.” Đằng sau cái lập trường hiếu
chiến của chủ nghĩa hiện đại về thẩm mỹ tuyệt đối vẫn là sự chấp nhận thế
giới rộng lượng đáng kinh ngạc. Với Weston, sống hầu hết cuộc đời nhiếp
ảnh ở vùng duyên hải California gần Carmel, một vùng thiên nhiên hoang
dại của thập niên 1920, thì tương đối dễ tìm thấy cái đẹp và trật tự, còn với
Aaron Siskind, nhà nhiếp ảnh thuộc thế hệ sau Strand và là một thị dân
New York, người bắt đầu sự nghiệp bằng những bức ảnh chụp các công
trình kiến trúc và sinh hoạt của thị dân, thì vấn đề là phải tạo ra trật tự. “Khi
tôi chụp một bức ảnh,” Siskind viết, “tôi muốn nó là một vật hoàn toàn
mới, hoàn chỉnh và đầy đủ, trên nền tảng cơ bản là trật tự.” Với Cartier-
Bresson, chụp ảnh là để “tìm ra cấu trúc của thế giới – tận hưởng cái khoái
lạc tinh khiết của hình,” để cho thấy rằng “trong tất cả sự hỗn loạn này vẫn
có trật tự.” (Chắc là hễ cứ nói về sự hoàn hảo của thế giới là thể nào cũng
có giọng mẹ mìn.) Nhưng bày ra cái hoàn hảo của thế giới là một quan
niệm quá ủy mị, quá phi lịch sử về cái đẹp để nuôi dưỡng nhiếp ảnh. Có lẽ
tất yếu là Weston, dấn thân hơn Strand nhiều vào trừu tượng, vào việc phát
hiện hình, nên chỉ ra được một khối lượng tác phẩm nhỏ hẹp hơn Strand.
Cho nên Weston không bao giờ đủ xúc cảm để chụp các đề tài có ý thức xã
hội, và ngoại trừ giai đoạn giữa 1923 và 1927 khi sống ở Mexico, ông toàn
tránh không sống ở thành phố. Strand, giống Cartier-Bresson, bị thu hút
vào những hoang vắng và đổ nát “như ảnh” của cuộc sống đô thị. Nhưng dù
xa rời thiên nhiên, cả Strand và Cartier-Bresson (có thể thêm cả Walker
Evans) vẫn chụp ảnh với cùng một con mắt khắt khe phát hiện ra trật tự ở
khắp mọi nơi.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.