Quan điểm của Stieglitz, Strand và Weston – rằng ảnh chụp trước hết phải
đẹp (nghĩa là bố cục đẹp) – giờ đây hình như đã mong manh rồi, không còn
hợp với chân lý hỗn loạn: thậm chí ngay cả tinh thần lạc quan về khoa học
và công nghệ nằm phía sau quan điểm nhiếp ảnh của Bauhaus cũng có vẻ
gần như độc hại. Những hình ảnh của Weston, dù đáng khâm phục đến
mấy, đẹp đến mấy, cũng đã chẳng còn thu hút được nhiều người nữa rồi,
trong khi ảnh của những tay máy ngây dại ở Anh và Pháp giữa thế kỷ 19,
và của Atget chẳng hạn, lại đang mê hoặc hơn bao giờ hết. Lời phán xét
của Western về Atget, ghi trong Daybooks của ông, rằng Atget “không có
kỹ thuật tốt” phản ánh hoàn hảo tính nhất quán trong quan niệm nhiếp ảnh
của ông cũng như sự xa lạ của ông với thị hiếu đương đại. “Lóa sáng làm
hỏng rất nhiều, và chỉnh màu không được tốt,” Weston nhận xét; “bản năng
của anh ta về chủ đề thì sắc sảo, nhưng ghi chép yếu – cách dựng ảnh thì
không thể chấp nhận được... cho nên ta thường cảm thấy anh ta đã lỡ mất
sự vật thật.” Thị hiếu đương đại chê Weston ở nỗ lực muốn có bản in ảnh
hoàn hảo của ông, chứ không chê lối làm ảnh dễ dãi dân dã của Atget và
các bậc thầy nhiếp ảnh khác. Kỹ thuật không hoàn hảo đã thành ra được
hoan nghênh chính vì nó bẻ gãy cái đẳng thức cũ lặng lẽ coi Thiên nhiên là
đẹp. Thiên nhiên đã trở thành một chủ đề u hoài và phẫn nộ hơn là chiêm
nghiệm, như thấy trong cái khác biệt về thị hiếu giữa các ảnh phong cảnh
đường bệ của Ansel Adams (đệ tử nổi tiếng nhất của Weston), cũng như
những tác phẩm quan trọng cuối cùng theo truyền thống Bauhaus: tập Giải
phẫu học Thiên nhiên (The Anatomy of Nature, 1965) của Andreas
Feininger, với hình tượng thiên nhiên đã mất thiêng trong nhiếp ảnh hiện
nay.
Khi nhìn lại, ta thấy những lý tưởng hình thức này về cái đẹp có vẻ dính
liền với một tâm trạng lịch sử: tinh thần lạc quan về kỷ nguyên hiện đại
(cách nhìn mới, thời đại mới), nên sự suy đồi của những tiêu chuẩn nhiếp
ảnh thuần túy đại diện bởi cả Weston và trường Bauhaus dính liền với tình
trạng buông lỏng đạo lý đã diễn ra trong những thập niên vừa qua. Trong
tâm trạng lịch sử vỡ mộng hiện nay, ý tưởng về cái đẹp phi thời gian của