gì khác cũng có thể rất bắt mắt, đẹp và thuyết phục chả kém gì những ảnh
mỹ thuật nổi tiếng. Hiện tượng dân chủ hóa các tiêu chuẩn hình thức này là
đối tác hợp lý của hiện tượng dân chủ hóa khái niệm đẹp của nhiếp ảnh.
Được gắn một cách truyền thống với những người mẫu điển hình (nghệ
thuật tả thực của Hy Lạp cổ điển chỉ mô tả tuổi thanh xuân, những hình thể
hoàn hảo), cái đẹp giờ đây đã được nhiếp ảnh tiết lộ ở khắp mọi nơi. Cùng
với những người tự làm mình đẹp để vào ảnh, những người không hấp dẫn
và khiếm khuyết cũng được trao vẻ đẹp riêng của mình.
Cuối cùng thì, với các nhà nhiếp ảnh, không có sự khác biệt nào, chả có
hơn kém gì về thẩm mỹ, giữa nỗ lực làm đẹp thế giới và phản-nỗ-lực lột
mặt nạ của nó. Ngay cả những nhà nhiếp ảnh vẫn khinh thường việc chỉnh
sửa ảnh chân dung do họ chụp – một tiêu chuẩn danh dự đối với các nhà
nhiếp ảnh chân dung đầy tham vọng kể từ Nadar trở đi – cũng có khuynh
hướng bảo vệ người mẫu của mình khỏi cái nhìn quá lột trần của máy ảnh
bằng nhiều cách. Và một trong những nỗ lực điển hình của các nhà nhiếp
ảnh chân dung, luôn chuyên nghiệp bảo vệ những gương mặt nổi tiếng thực
sự lý tưởng (như của Garbo), là tìm kiếm những gương mặt “thật”, thường
là của những người vô danh, nghèo khổ, bất lực trong xã hội, người già,
người điên – những người không để ý gì đến (hoặc không thể phản đối)
những xâm hại của máy ảnh. Hai bức chân dung thương vong đô thị mà
Strand chụp năm 1916, “Đàn bà mù” (“Blind Woman”) và “Đàn ông”
(“Man”), là trong số những thành quả đầu tiên của nỗ lực này, thực hiện
cận cảnh. Trong những năm khủng hoảng tồi tệ nhất ở Đức, Helmar Lerski
đã làm cả một bộ sưu tập những bộ mặt đau khổ, xuất bản năm 1931 dưới
tên gọi Những gương mặt thường ngày (Köpfe des Alltags/ Everyday
Faces). Những người mẫu được trả tiền cho cái mà Lerski gọi là “những
nghiên cứu đặc điểm khách quan” của ông – lột trần thô bạo cả những lỗ
chân lông toang ngoác, những nếp nhăn, những thương tích ngoài da – là
những người hầu mất việc kiếm được ở một sở môi giới việc làm, những
người ăn mày, quét rác, bán hàng rong và đàn bà thợ giặt.