thủy ngân, khiến chúng ta xúc động vì chúng ghi chép được nỗi thống khổ
khiến ta căm phẫn – và cũng khiến ta thành xa lạ vì chúng là những tuyệt
tác ảnh về nỗi Thống khổ, tuân thủ các tiêu chí siêu thực về cái đẹp. Bức
của Smith chụp một đứa bé gái quằn quại trong lòng mẹ nó là một hình
tượng Pietà
(1)
của cái thế giới nạn nhân dịch bệnh mà Artaud coi là chủ đề
đích thực của tấn kịch nhân loại hiện đại; quả thực, toàn bộ loạt ảnh ấy có
thể là những hình ảnh cho Sân khấu kịch Tàn bạo của Artaud.
(1)
Pietà: Tên bức tượng của Michelangelo mô tả Đức Mẹ ôm thi hài Chúa
Jesus trong lòng – đã thành biểu tượng tín ngưỡng Thiên Chúa giáo về con
đức Chúa Trời chịu chết để cứu chuộc tội lỗi của loài người. (ND)
Vì mỗi bức ảnh chỉ là một mảnh vỡ, sức nặng đạo lý và tình cảm của nó
phụ thuộc vào chuyện nó được ghép vào chỗ nào. Ảnh chụp thay đổi tùy
chỗ nó được xem: cho nên những bức ảnh Minamata của Smith sẽ có vẻ
khác ở một bản in thử, ở một gallery, một cuộc biểu tình chính trị, một hồ
sơ cảnh sát, một tạp chí nhiếp ảnh, một tạp chí tin tức bình thường, một
cuốn sách, trên tường một phòng khách. Mỗi tình huống là một cách sử
dụng ảnh khác biệt và không tình huống nào đảm bảo ý nghĩa đầy đủ của
chúng. Như Wittgenstein đã lập luận về từ ngữ, rằng ý nghĩa là ở cách dùng
– thì mỗi bức ảnh cũng như vậy. Và chính vì vậy mà sự hiện diện và lan
tràn của tất cả các loại ảnh chụp đã góp phần làm xói mòn chính quan niệm
về ý nghĩa của chúng, góp phần vào việc chia nhỏ sự thật thành nhiều sự
thật tương đối được mặc định bởi tâm thức tự do hiện đại.
Các nhà nhiếp ảnh quan tâm đến xã hội cho rằng công việc của họ có thể
truyền tải một thứ ý nghĩa ổn định nào đấy, có thể phơi bày sự thật. Nhưng
một phần do ảnh chụp luôn là một vật trong một chu cảnh, cái ý nghĩa ấy
nhất định bị dò cạn đi mất; nghĩa là cái chu cảnh định hình những công
dụng tức thời (nhất là công dụng chính trị) có thể có ấy của ảnh chụp lại tất
yếu bị thay thế bởi những chu cảnh khiến cho những công dụng ấy bị yếu
đi và dần trở thành không thích hợp nữa. Một trong những đặc tính trung