đếm số thằng đần làm việc trong lĩnh vực này đi rồi sẽ thấy. Nhưng thiếu
hài hước hẳn là biểu hiện của một điểm yếu về tâm lý. Anh sẽ hỏi Propp.
Servaz bắt đầu thích tay bác sĩ tâm lý này, dù không ưa cái tính ra vẻ biết
tuốt của anh ta.
Khi đã uống hết cốc cà phê không biết thứ bao nhiêu, anh rời khỏi
phòng, và cuộc hội thoại tiếp tục. Người phụ nữ sau lưng anh phá lên cười.
Một nụ cười giả tạo và khiếm nhã khiến anh khó chịu.
Văn phòng của Vilmer ở cách đó vài mét. Thư kí của lão chào đón
Servaz với nụ cười thân thiện.
“Xin mời vào. Ông ấy đang đợi anh.”
Servaz tự nhủ đây không phải dấu hiệu tốt, đồng thời cũng tự hỏi liệu thư
kí của Vilmer có được nhận lương làm ngoài giờ hay không.
Vilmer là một gã gầy gò với một nhúm râu dê cắt tỉa gọn ghẽ, mái tóc
hớt hoàn hảo và nụ cười uy quyền thường trực trên môi như vết chốc mép
cứng đầu. Lão luôn mặc áo sơ mi, cà vạt, com lê và giày hợp thời, với màu
sắc thiên hẳn về tông sôcôla, hạt dẻ ngào đường và oải hương. Servaz xem
Vilmer như bằng chứng sống của việc một thằng ngu có thể tiến xa tới đâu
nhờ vào việc cấp trên của hắn là những thằng ngu khác.
“Ngồi đi,” lão nói.
Servaz ngồi xuống chiếc ghế bành bằng da màu đen. Vilmer có vẻ bực
mình, tay đan vào nhau dưới cằm và im lặng đánh giá anh trong giây lát,
như thể muốn anh biết là lão đang khó chịu. Biểu cảm này có thể đoạt giải
Oscar ở Hollywood được đây. Servaz cũng quan sát lại, rồi mỉm miệng
cười. Biểu hiện đó khiến ngài giám đốc giận điên lên.
“Cậu thấy tình huống này hài hước lắm à?”
Giống như mọi người của tổ hình sự đóng tại các địa bàn, Servaz biết
Vilmer đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình để yên ổn chễm chệ đằng sau
bàn làm việc. Ngoại trừ một thời gian ngắn ban đầu làm bên phòng chống
tệ nạn xã hội, lão hoàn toàn không biết thế giới ngoài kia trông ra sao. Có
tin đồn lão từng là bù nhìn rơm, và là trò tiêu khiển cho đồng nghiệp.
“Không, thưa sếp.”