28
Giống như lão Ngụy sau này khoác lác, hai người bạn nhà văn của lão
sau khi đến thăm đã viết một bản kiến nghị, cực lực phê phán cơ chế ở trại
giam. Thêm vào đó là sự kiện vượt ngục trước đấy không lâu gây chấn
động mạnh mẽ. Cấp trên cuối cùng quyết định phá bỏ trại giam với cơ cấu
quản lý cũ lạc hậu, xây dựng mới. Thế là, tôi và chín lao động viên khác,
cùng ba mươi phạm nhân đã kết án sẽ chuyển đến trại tạm giam của tỉnh
trong nửa năm. Những tháng ngày hạnh phúc của tôi đã bị hai kẻ nhà văn
nhiễu sự kia phá hỏng.
Hôm đó, hai xe cảnh sát và ba xe tù lăn bánh vào trại giam. Hơn mười
viên cảnh sát mặt mày bụi bặm xuống xe, lớn tiếng càu nhàu đây là chỗ
chết tiệt nào mà hôm nay đen đủi quá, mỗi người ít nhất phải ăn đến nửa
cân bụi đất. Thực ra ở đây đang sửa đường, đúng là khó đi thật, nhưng
không đến nỗi khiến họ bực tức đến thế, vừa tới đã cau có mặt mày. Phần
đông trong số họ rút điện thoại di động ra gọi, quát tháo ầm ầm, không còn
thì giờ đi bắt tay những người quản giáo đang chờ đón. Bọn họ phủi bụi,
rửa mặt, vuốt tóc, cọ giày, đi nhà vệ sinh một lượt, lại chế giễu trong nhà vệ
sinh còn nuôi thêm lợn, ngay giấy chùi cũng không tiêu chuẩn, suýt nữa bắt
họ phải hái lá tre chùi đít, đúng là chất quê đậm đặc! Lúc uống trà họ cũng
không vừa lòng, nói chỗ này sao vẫn còn dùng cốc sứ, không có cốc giấy
dùng một lần, truyền thống cách mạng là tốt, nhưng sợ bệnh truyền nhiễm.
Người nhà phạm nhân đến cũng dùng mấy cái cốc này à? Người nhà phạm
nhân không bị mồm hôi, viêm gan, tiêu chảy, lao phổi hay AIDS ư?
Một viên cán bộ cảnh sát to con, có vẻ là cấp trên, rút một tờ tiền đưa
cho quản giáo Xa: “Người anh em, chúng tôi không quen tình hình ở đây,
phiền anh đi mua một thùng nước tăng lực, nếu không nước khoáng cũng
được.”
Quản giáo Xa thu lại bình nước và tất cả cốc sứ đem đi, không nói gì, lại
mồ hôi nhễ nhại vác về hai thùng nước ngọt, cái mặt ngựa dài ra.