19
Đêm khủng khiếp đó đến vào thời khắc ấy. Giờ hồi tưởng lại cảnh tượng
khi ấy, tôi vẫn cảm thấy rất kỳ quái. Đêm đó quá đỗi bình thường, quá đỗi
im ắng và yên lành. Nếu bảo ngoài cửa sổ có một bầy chim sẻ thảng thốt
bay túa ra thì cũng không nói lên được điều gì, chỉ là do ngoài bức tường
vây có người nào đó làm kinh động đến chúng.
Đầu tiên có một phòng giam gọi điện thoại đến, thông báo có chuyện
cấp bách. Về sau, vài tù nhân bắt đầu đánh bài. Một người khác xâu chỉ qua
lỗ cây kim tự chế bằng que tre để vá lại đũng quần. Ba bốn gã Tứ Xuyên
vừa vào trại, chụm đầu một chỗ thầm thì, chắc chắn là bất mãn với đám tù
cũ, nhưng không có cách nào, đành thỉnh thoảng lấm lét liếc nhìn chúng tôi.
Chính vào tối hôm đó, tôi và Què đánh liền một lúc ba ván cờ, tuy mỗi
ván anh ta đều chỉ dùng một nửa các quân xe pháo mã, nhưng vẫn giữ vững
kỷ lục bách chiến bách thắng. Trong đó có một ván, nếu không phải đi sai
một bước, suýt nữa tôi đã thắng. Tôi muốn đi lại nhưng bị anh ta tóm chặt
lấy cổ tay, không cho hạ xuống - lúc đó tôi mới phát hiện ra anh ta tuy
mảnh dẻ, nhưng bàn tay như gọng kìm, một tay công lực thượng thừa mai
danh ẩn tích.
“Bút sa gà chết, không được đi lại!” Què vừa bình tĩnh vừa kiên quyết
nói.
“Đây có phải là thi đấu quốc tế đâu, lại một lần thôi mà.”
“Quân tử không nói hai lời.”
“Chỉ là chơi cho vui thôi phải không?” Có người lo tôi giận bèn nói. Các
anh em khác ghen tị kỷ lục bất bại của Què cũng thi nhau ủng hộ tôi đi lại
nước cờ: đúng rồi, chơi thôi cần gì phải nghiêm túc quá, luật pháp còn có
thể sửa đổi.
“Cờ trường là chiến trường, đâu có như trò trẻ con!”