Daniel Grandclément
BẢO ĐẠI, HAY LÀ NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA VƯƠNG QUỐC
AN NAM
Dịch giả : Chưa rõ
Chương 31
Cựu hoàng Bảo Đại đợi cho cánh cửa rộng mở mới bước ra hè phố. Tất cả đều
yên lặng. Con phố ông ở thấp hơn đại lộ Tổng thống Wilson, như biệt lập với
phần còn lại của thành phố. Quả đồi Chaillot che chắn cho nó, tạo cho nó một vẻ
yên tĩnh tỉnh lẻ, như một ngõ cụt trong khu nhà ở được ông ưa thích. Chỉ cần
vượt qua hai chục mét là lại nghe thấy tiếng xe cộ tấp nập đi tới công viên
Trocadéro.
Ông bắt đầu đặt chân lên dốc để đi tới vườn hoa. Ông đưa tay mò mẫm nắm lấy
cánh tay quận chúa Monique. Rất ít khi ông ra ngoài không có bà đi bên cạnh.
Ông không thích liều lĩnh ra phố một mình.
Trông bà trẻ hơn, rắn chắc hơn. Bây giờ bà đã là vợ chính thức của ông sau lễ
thành hôn ngày 18 tháng giêng năm 1983 tại quận 16, thủ đô Paris, sau một
cuộc bàn bạc tay đôi kéo dài. Tên bà là Monique Baudot, một cô gái xinh đẹp
trạc tuổi ba mươi, quê ở vùng Lorraine. Sau khi cưới bà tự xưng là quận chúa
Monica mà chẳng qua một lễ đăng quang nào bởi triều đình phong kiến Việt
Nam đã sụp đổ từ năm 1945 và chính bản thân ông Bảo Đại cũng đã bị Hội
đồng hoàng tộc, năm 1955 dưới sức ép của Diệm, chính thức tước bỏ mọi tước
hiệu của ông. Bà là một người bạn hay đúng hơn, như lời đàm tiếu của những kẻ
không ưa bà, là hầu phòng, là quản gia kiêm thư ký cho ông.
Bà Monique kể lại rằng: khi đang là lãnh sự danh dự của nước Cộng hoà Zaire
miền Trung Phi thì bà nghe nói về cựu Hoàng đế An Nam, đang sống độc thân
trong cảnh túng bấn, gần như bị bỏ rơi...
Mối quan hệ của hai người, thoạt đầu là một cuộc cứu sinh. Cuộc cứu sinh thành
công vì nhờ Monique, Bảo Đại tìm lại được một chút uy thế đã qua một chút
quý phái và thanh thản bên ngoài đã gây nhiều ấn tượng cho các quân nhân và
các nhà chính trị Pháp.
Cuộc hôn nhân giữa ông Bảo Đại và bà Monique không được dư luận chú ý.
Không có những hàng tít lớn trên báo chí nhưng cộng đồng người Việt ở Pháp